Thủy điện đóng vai trò quan trọng trong cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo cho các hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống. Nhưng bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực của các công trình thủy điện cũng đã và đang tác động đến phát triển kinh tế xã hội và môi trường tự nhiên, nhất là đối với môi trường nước.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2012, tổng diện tích được quy hoạch và giao cho hơn 1.000 dự án vừa và nhỏ khoảng 109.569ha, trong đó diện tích đất rừng chiếm 32.373ha. Khu vực chuyển đổi diện tích nhiều nhất là Tây Nguyên chiếm 41,2% cả nước. Mặc dù các địa phương đã triển khai trồng mới để bổ sung thay thế, nhưng tỷ lệ diện tích rừng trồng mới chỉ đạt 3,7% tổng diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Trong đó những địa phương có diện tích rừng bị chuyển đổi trên 1.000ha gồm có: Đắk Nông, Lai Châu, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Nghệ An.
Việc chuyển dòng của một số công trình thủy điện sang lưu vực khác, thiếu sự xem xét đầy đủ tác động môi trường lên lưu vực, làm thay đổi chế độ thủy văn, gây ra những tác động lớn đến hệ sinh thái và hoạt động kinh tế-xã hội trên các lưu vực sông. Điển hình như công trình chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai sang nhóm sông Đông Nam Bộ, đã gây ra tình trạng thiếu nước cho hoạt động phát triển công nghiệp và các nhu cầu cấp nước đô thị ở khu vực hạ lưu, đặc biệt là vào mùa khô hàng năm.
Cùng với đó, do những bất cập trong công tác quản lý xây dựng và vận hành các công trình thủy điện, làm cho hơn 90% công trình thủy điện trên cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ vào mùa mưa, điều tiết nước cho vùng hạ lưu vào mùa khô hạn. Đặc biệt là việc thiếu các quy định cụ thể trong xây dựng và vận hành các hồ chứa thủy điện, đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, làm thay đổi chế độ thủy văn của các sông ngòi, làm giảm lượng nước trong mùa kiệt, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm tại các hạ lưu các con sông. Thậm chí gây ra những nguy cơ về địa chấn động đất kích thích…
Đơn cử như trên phần thượng nguồn của lưu vực sông Ba (Gia Lai) có công trình Thủy điện Vĩnh Sơn, Thủy điện An Khê-Ka Nak. Các hồ chứa của những công trình này tích nước của sông Ba và chuyển nước qua các đường hầm, kênh dẫn sang lưu vực sông Kôn, nhằm tạo cột nước lớn để tăng khả năng phát điện. Việc chuyển nước đã phát sinh một số vấn đề như xả nước gây lũ đột ngột, bắt thường hoặc tích nước để phát điện. Có thời điểm không xả nước xuống hạ lưu (năm 2011) gây cạn kiệt dòng chảy, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước do không đủ khả năng pha loãng các tạp chất…ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân khu vực ven sông.
Nguyên nhân là do việc chuyển nước của công trình Thủy điện An Khê-Na Nak chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động, ảnh hưởng của việc chuyển nước ra khỏi lưu vực. Đồng thời, việc tích nước, xả nước, vận hành phát điện thiếu hợp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương; chưa bảo đảm yêu cầu khai thác, sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu nguồn nước của hồ chứa theo quy định. Ngoài ra, hoạt động sản xuất, xả nước thải chưa xử lý của một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn khu vực hạ du công trình, đã làm gia tăng thêm tình trạng thiếu nước và ô nhiễm nguồn nước sông Ba, đoạn đi qua địa bàn thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai.
Bên cạnh đó, việc thay đổi quy hoạch các bậc thang thủy điện cũng chưa xem xét đến hiệu quả tổng thể về cấp nước, phòng lũ, đẩy mặn…đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác tổng hợp nguồn nước. Cụ thể như các bậc thang Thủy điện Đồng nai 2 và Đồng Nai 6. Tình trạng xâm nhập mặn ở phía hạ nguồn sông Đồng Nai đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Vào những tháng cao điểm mùa khô, xâm nhập mặn đã xâm thực sâu vào đất liền gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động cấp nước của một số nhà máy đặt tại thành phố Biên Hòa, Nhà máy nước Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chính là do nguồn nước phía thượng nguồn bị chặn bởi các công trình thủy điện, không đủ nước cấp cho khu vực hạ lưu để đẩy nguồn nước mặn ra xa khu vực này.
(Theo monre.gov.vn)