Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai khuyến khích các nhà vườn sử dụng rộng rãi hệ thống tưới nước tiết kiệm (TNTK) vừa có hiệu quả chống hạn trong mùa khô, vừa tăng năng suất và chất lượng cho cây ăn trái và cây lâu năm như: tiêu, xoài, bưởi, cà phê, sầu riêng…Theo tính toán của các nhà vườn áp dụng kỹ thuật này, đầu tư cho hệ thống TNTK và bón phân qua đường ống tốn khoảng từ 20 – 35 triệu đồng/ha tùy chất liệu của bồn đựng nước, đường ống dẫn nước và mật độ cây trồng. Kỹ thuật này có thể duy trì cho việc tưới nước trên 5 năm, trong khi chỉ cần các nhà vườn thu hoạch trúng 1 năm/ha cây trồng đã có thể bù đắp được chi phí lắp đặt.
3 năm trở lại đây, một số nhà vườn ở Đồng Nai được các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai giúp ứng dụng mô hình TNTK và bón phân qua đường ống, năng suất cây trồng tăng cao, cây ít sâu bệnh, giảm được nhiều chi phí đầu vào.
Ông Trần Hữu Thắng ở Câu lạc bộ trồng tiêu ấp Thọ Lộc 1, xã Xuân Thọ thuộc huyện Xuân Lộc vừa thu hoạch xong 1 ha tiêu đạt năng suất kỷ lục khoảng 10 tấn/ha, cho biết: Trước đây, vườn tiêu của gia đình năng suất chỉ đạt đến 6 tấn/ha, cho dù được chăm sóc tốt. Được cán bộ kỹ thuật của Trạm Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn, gia đình đã lắp đặt và sử dụng hệ thống TNTK, đồng thời thay thế 2/3 lượng phân hóa học bằng phân vi sinh và được bón vào ngay đầu mùa mưa. Lượng phân hóa học còn lại chia nhỏ ra thành nhiều lần, cứ 20 ngày bón một lần và được bón qua hệ thống TNTK, giúp cho cây luôn có đủ lượng phân cần thiết để phát triển. Do vậy liên tục 3 năm qua, vườn tiêu của gia đình luôn xanh tốt và luôn đạt năng suất kỷ lục từ 8 – 10 tấn/ ha, cho lãi ròng hàng trăm triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, đã lắp đặt hệ thống TNTK cho vườn xoài, trồng mới gần 2 năm đã cho quả bói và năm thứ 4 lượng quả khá nhiều. Trong khi xoài trồng theo phương pháp cũ đến năm thứ 3 có quả bói và năm thứ 6 quả mới nhiều. Bên cạnh đó, năng suất của cây xoài lắp đặt TNTK tăng gấp hơn 2 lần.
Theo nhiều nhà vườn ở các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, nơi có nhiều diện tích trồng cây ăn quả bị khô hạn trong 6 tháng mùa khô, lượng nước tưới qua hệ thống nói trên giảm được hơn 50% lượng nước tưới so với cách tưới tràn trước đây và mỗi ha cây ăn quả tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu đồng so với cách tưới tràn lấy nước từ giếng khoan lên. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp TNTK là các nhà vườn không phải tốn công đào mương dẫn nước và đưa phân lên tưới cho từng cây như trước đây; không phải làm bồn quanh gốc cây để giữ nước mà vẫn giữ được độ ẩm thích hợp cho vườn cây theo từng chu kỳ sinh trưởng, hạn chế lây lan dịch bệnh, cây ít bị rụng hoa, quả non, góp phần tăng năng suất vườn cây từ 20% đến 25%. Đặc biệt, đối với các vườn tiêu, do ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt, không tạo thành dòng chảy, nên cây ít bị bệnh thối rễ…
Hiện diện tích lắp đặt hệ thống TNTK cho cây trồng ở Đồng Nai khoảng 1.400 ha, tập trung ở huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ. Hiệu quả mang lại từ hệ thống này đã được khẳng định trên các cây trồng như: tiêu, xoài, bưởi, cà phê, sầu riêng. Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, cho biết: Tất cả các loại cây trồng hàng năm, lâu năm đều có thể lắp đặt hệ thống TNTK. Hệ thống này có ưu điểm, giảm được nhiều công lao động, tiết kiệm 60% nguồn nước tưới trong mùa khô mà cây trồng vẫn sinh trưởng tốt, năng suất của nông sản tăng 1,5 – 3 lần và chất lượng cải thiện rõ rệt. Thời gian tới Trung tâm khuyến nông sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, xã xây dựng mô hình TNTK trên nhiều loại cây trồng để nông dân học tập và nhân rộng.
(Theo Monre.gov.vn)