Sông Phan của Vĩnh Phúc có nguy cơ bị “bức tử”

Hình ảnh xinh đẹp, thơ mộng của con sông Phan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày xưa giờ đây chỉ còn trong tâm trí, ký ức của người dân. Làn nước trong xanh và cảnh trưa hè lũ trẻ nhảy sông tắm mát, mò tôm, bắt cá ngày nào đã không còn nữa; thay vào đó là màu nước đen đục, ô nhiễm do đủ các loại nước thải sinh hoạt, nước thải của các cơ sở sản xuất không qua xử lý đổ dồn về. Sông Phan đã và đang có nguy cơ đánh mất khả năng tự làm sạch mình – một khả năng tự vệ quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho cho con sông này.
Sông Phan có lưu vực rộng khoảng 800 km 2, chiếm hơn 60% diện tích của tỉnh Vĩnh Phúc. Bắt nguồn từ sườn Nam dãy núi Tam Đảo, chảy qua 24 xã thuộc các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Bình Xuyên. Con sông này có vai trò lớn trong cấp thoát nước, ổn định môi trường nhằm duy trì cảnh quan sinh thái cho các địa phương trên địa bàn Vĩnh Phúc. Sông Phan cũng là nguồn cung cấp nước cho sông Cà Lồ và đóng vai trò quan trọng tác động tới chất lượng nước sông Cầu – nguồn cung cấp nước cho cộng đồng dân cư phía hạ lưu.
Trước đây, sông Phan rộng, là tuyến giao thông thủy quan trọng, chất lượng nước sông rất tốt, có thể khai thác được rất nhiều loại tôm cá. Các vùng đất ngập nước, bán ngập thuộc lưu vực sông Phan có giá trị rất lớn với những hệ sinh thái quí giá. Vùng ven sông Phan xưa kia có khoảng gần 250 loài thực vật thuộc hơn 70 họ và nhiều loại động vật như: Chim muông, bò sát, loài lưỡng cư sinh sống. Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa, người dân sống đông đúc lân cận con sông với đủ thứ chất chải xuống sông Phan; đặc biệt tình trạng xâm lấn sông làm nhà ở và chiếm dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản hàng chục ha đã làm sông Phan “chết” dần.
Báo cáo của cơ quan chức năng Vĩnh Phúc cho biết: Ước tính bình quân mỗi ngày có gần 20.000m3 nước thải sinh hoạt của hơn 210.000 hộ dân trong lưu vực, 4.000m3 nước thải của các khu và cụm công nghiệp chưa qua xử lý, hơn 21.000m3 nước thải của hàng triệu trâu bò, lợn, gà, vịt và hàng trăm tấn rác thải đổ trực tiếp lấp chặn dòng sông Phan. Các chỉ số ô nhiễm của dòng sông vượt chuẩn cho phép rất nhiều lần: Nồng độ BOD5 trong nước mặt có thời điểm vượt từ 2-2,5 lần, COD vượt từ 2,6-2,8 lần, Amoni vượt từ 1,2-1,6 lần so với tiêu chuẩn QCVN 08.
Anh Hưng, ở thôn Phú Thọ, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc cho biết: Trước đây sông Phan rất nhiều tôm cá và là nguồn sinh sống của hàng trăm số dân làm nghề chài lưới. Người dân ven bờ muốn cải thiện, có khách đến chơi nhà chỉ cần dùng vài mét lưới vương, một lúc là bắt mớ tô,cá đãi khách thịnh soạn. Nước ở đây luôn trong xanh bởi nguồn nước của con sông do các suối khe Tam Đảo dồn về, do đó nguồn thủy sản ở sông được coi là thực phẩm sạch hơn cả các ao, hồ, đầm trên địa bàn. Nguồn nước sông vừa cung cấp nước tưới cho đồng ruộng và bổ sung cho các ao, hồ lân cận quanh năm ngày tháng mà không cạn. Biết bao người sống gần sống Phan, khi lớn lên, khi đi xa vẫn còn mang đầy dấu ấn, kỷ niệm về  con sông quê hương này.
Các nhà chuyên môn cũng cho rằng: Giờ đây, chỉ tính riêng huyện Yên Lạc đã có hàng ngàn hộ làm nghề liên quan đến kim loại, phi kim loại, hóa chất, sơn…; trong đó phải kể đến cả ngàn hộ kinh doanh tháo dỡ xe ủi, ô tô, xe máy, sắt thép vụn, cao su, nhựa ở xã Đồng Văn, Tế Lỗ và các chất thải ở đây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sông Phan. Thêm vào đó, những năm qua, nông dân không có thói quen lấy rơm rạ làm chất đốt hay sử dụng làm thức ăn dự trữ cho trâu bò; chăn nuôi lợn cũng không cần đến rau, bèo ở ven bờ sông Phan. Sông Phan nhiều đoạn vốn đã ách tắc dòng chảy do các loài thủy sinh, do dân lấn chiếm nay lại phải hứng đủ thứ chất thải, nhất là chất thải trong sản xuất nông nghiệp đổ về.
Từ năm 2008 tỉnh Vĩnh Phúc đã bỏ ra 32 tỷ đồng hỗ trợ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở 15 xã khu vực nông thôn và khu vực sông Phan nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể. Để tiếp tục cứu sông Phan dần “sống” lại, UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ để nạo vét và chỉnh trị dòng chảy; nâng cấp, xây mới các điều tiết trên sông này. Vĩnh Phúc còn lập bản đồ quy hoạch chi tiết sử dụng đất lưu vực sông Phan; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý môi trường lưu vực sông Phan, nghiên cứu xây dựng trạm quan trắc tự động môi trường nước sông này…cũng dự tính số tiền không nhỏ.
Dư luận cho rằng Vĩnh Phúc từng là tỉnh đầu tư khá lớn về công sức và tiền bạc cho lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường. Thế nhưng, kết quả đạt được còn hạn chế và mới dừng lại ở mô hình và trong các báo cáo ! Các cấp quản lý của tỉnh cần xem xét, đánh giá và có biện pháp quản lý chặt chẽ vấn đề đầu tư và kiểm soát nguồn kinh phí đầu tư làm sao để đạt hiệu quả cao rất cần để tránh lãng phí.
 

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)