Sóc Trăng: Quản lý tài nguyên nước cần được quan tâm hơn

Khai thác nước ngầm quá mức, dễ dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên nướ
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn ngày càng phức tạp đã dẫn đến tình trạng khai thác nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất gia tăng. Mặt khác, do việc khai thác, sử dụng nước ngầm có ưu thế hơn để lựa chọn so với nước mặt nên nhiều hộ dân ở Sóc Trăng đã chuyển sang sử dụng nước dưới đất.

 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, tổng số giếng khai thác đơn lẻ tại Sóc Trăng vào tháng 4/2000 chỉ xấp xỉ 46.000 giếng, nhưng đến tháng 5/2010, con số giếng khoan nước dưới đất đã gần 80.000. Theo một lãnh đạo huyện Vĩnh Châu, thực tế còn cao hơn nhiều. Tổng số giếng nói trên khai thác khoảng 183.000 m³/ngày. Sóc Trăng còn có nhiều điểm khai thác nước tập trung, mỗi ngày khai thác trên 62.000 m³. Như vậy tổng lượng khai thác nước dưới đất của khai thác đơn lẻ và tập trung mỗi ngày khoảng 245.000 m³, trong đó nhu cầu sinh hoạt chiếm 28%, nhu cầu khác 72%. Tổng lượng khai thác nước dưới đất của Sóc Trăng chỉ bằng 8% trữ lượng khai thác tiềm năng. Tuy nhiên, đã có hai địa phương mà lượng khai thác vượt ngưỡng bền vững là Tp. Sóc Trăng và huyện Mỹ Xuyên. Riêng Vĩnh Châu và Trần Đề đã khai thác gần đạt ngưỡng tiềm năng. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, nếu không có giải pháp hợp lý trong quản lý và sử dụng, nhất là khâu cấp phép khai thác, vài năm nữa sẽ có nhiều địa phương bị “cạn kiệt” tài nguyên nước ngầm. Việc khai thác, lạm dụng nước ngầm đã đến lúc báo động. Năm 2010, do thời tiết khô hạn, nguồn nước trên các sông, kênh rạch nội đồng bị nhiễm mặn, thiếu nước tưới lúa xuân hè, nhiều nông dân ở các huyện Long Phú và Trần Đề đã tự phát khoan giếng lấy nước ngầm để bơm tưới vào đồng ruộng cứu lúa. Trước tình hình này, tỉnh đã ban hành công văn nghiêm cấm các hoạt động khai thác nước dưới đất để tưới lúa. Gần đây nhất xảy ra ở Vĩnh Châu, xuất phát từ giá hành tím tăng mạnh, nông dân huyện Vĩnh Châu đã mở rộng diện tích trồng hành. Do hầu hết nông dân trồng màu ở Vĩnh Châu sử dụng nước dưới đất để tưới, khiến mực nước tụt giảm nghiêm trọng. Nhiều hộ không bơm được nước, phải tranh thủ dậy tưới màu lúc 2 giờ sáng. Theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, đó là biểu hiện của khai thác quá mức, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên nước dưới đất.

Dự báo nhu cầu khai thác nước dưới đất đến năm 2015 là 348.226 m³/ngày, tăng trên 103.000 m³ so năm 2010. Điều này có nghĩa ngoài số lượng giếng khoan hiện nay, trong hơn bốn năm nữa, tổng lượng giếng khoa đơn lẻ và tập trung, kể cả lượng khai thác cũng sẽ tăng lên đáng kể. Để quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, theo các nhà khoa học, cần tập trung vào các vấn đề như điều tra, đánh giá, quan trắc, dự báo, thông tin tài nguyên nước; các vấn đề về quản lý cấp phép, thanh tra, kiểm tra; các vấn đề về thể chế, năng lực quản lý và các vấn đề về truyền thông. Thời gian qua, được đầu tư ngân sách, ngành Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng đã tập trung vào những công việc điều tra, đánh giá, quan trắc và cả công tác dự báo. Khâu thanh tra và kiểm tra ở lĩnh vực khai thác, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất cũng được thực hiện khá tốt. Riêng về quản lý cấp giấy phép, ngoài việc phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ngành Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng còn tận tình hướng dẫn cá nhân và tổ chức về quy trình cấp giấy phép. Tại Điều 3, Nghị định số 149/2004/NĐ-CP quy định có bốn loại giấy phép, đó là giấy phép thăm do nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và giấy phép xả thải vào nguồn nước. Ngoài các loại giấy phép nêu trên, căn cứ theo Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về việc cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất, còn có thêm giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Theo đó, đối với tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ (lắp đặt các giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách dưới 10 milimét và thuộc công trình có lưu lượng dưới 200 m³/ngày đêm) và quy mô vừa (là lắp đặt các giếng khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách dưới 250 milimét và thuộc công trình có lưu lượng từ 200 m³ đến 3.000 m³/ngày đêm) phải lập thủ tục xin cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất; bản sao có công chứng quyết định thành lập tổ chức hoặc giấy đăng ký hoạt động kinh doanh; bản sao có công chứng các văn bằng, chứng chỉ của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật và hợp đồng lao động; bản khai kinh nghiệm chuyên môn trong hoạt động khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và bản khai năng lực chuyên môn kỹ thuật của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép. Địa điểm nộp hồ sơ là tổ một cửa của Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời gian giải quyết là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đối với cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, thời gian giải quyết là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ… Người được cấp phép nộp phí, lệ phí theo quy định tại Quyết định số 14/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sóc Trăng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, thời gian qua Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều nghị đinh, thông tư quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp phép nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp phép. Từ đó, công tác cấp phép tài nguyên nước tại địa phương từng bước đi vào nề nếp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định. Từ năm 2005 đến nay, Sóc Trăng đã cấp 127 giấy phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó có 37 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, 14 giấy phép xả thải vào nguồn nước và 76 giấy phép khai thác nước dưới đất. Song cũng phải nhìn nhận, việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chưa được tốt. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong thời gian dài, công tác quản lý tài nguyên nước ở sóc Trăng chưa được quan tâm đúng mức, vì thế việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân còn tùy tiện. Do vậy khi Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng tăng cường thực hiện quản lý Nhà nước về tài nguyên nước theo quy định thì các tổ chức, cá nhân chưa nhận thức và chưa chấp hành nghiêm túc. Theo quy định, các công trình khai thác tài nguyên nước ngầm có khối lượng từ 20 m³/ngày đêm trở lên phải được cơ quan chức năng cấp phép mới được khai thác, sử dụng. Nhưng trên thực tế nhiều năm qua, phần lớn các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu khai thác nguồn nước với khối lượng lớn đều tự ý khai thác, không đến cơ quan chức năng quản lý lập thủ tục xin cấp phép theo quy định. Chỉ đến khi có đợt kiểm tra, bị cơ quan chức năng phát hiện, nhắc nhở nhiều lần, các đơn vị này mới đăng ký xin phép khai thác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, kiểm soát và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Để làm tốt công tác quản lý nhà nước cũng như cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho tỉnh tổ chức rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài nguyên nước phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Đi đôi với khâu tuyên truyền, giáo dục pháp luật tài nguyên nước thì công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, cũng cần được đẩy mạnh. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định, không “nương tay” dù cá nhân, tổ chức đó là ai.

(Theo Website Tỉnh ủy Sóc Trăng)