Theo ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng: Mặc dù trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng về chất lượng và các chỉ số về môi trường nước trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến theo chiều hướng xấu, nguồn tài nguyên thiên nhiên nước mặt và nước ngầm đang bị khai thác mạnh đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh.
Kết quả quan trắc về môi trường nước mặt tại địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ 5 năm gần đây nhất cho thấy, nước mặt trên các sông rạch chảy qua địa bàn thành phố và các thị trấn của tỉnh bị ô nhiễm hữu cơ thể hiện năm sau cao hơn năm trước. Thông số nhu cầu oxy sinh học (BOD5) trung bình vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép 1,63 lần. Riêng tại thành phố Sóc Trăng, nước mặt trên kênh Maspero có thông số BOD5 trung bình vượt 1,49 lần. Nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm môi trường nguồn nước mặt chủ yếu do nhiều nhà máy chế biến mọc lên nhưng công tác xử lý nước thải chưa được quan tâm triệt để, bên cạnh đó, ý thức người dân cũng chưa cao trong việc xử lý rác, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường công cộng.
Về tầng nước ngầm, kết quả điều tra cho thấy, hiện toàn tỉnh có hơn 78.000 giếng khoan khai thác, sử dụng nước ngầm. Việc khai thác tràn lan đã làm sụt giảm mực nước ngầm, tăng khả năng thẩm thấu và xâm nhập mặn. Kết quả quan trắc trong năm 2010 này ở tầng khai thác phổ biến từ độ sâu 62-157 mét cho thấy: Tầng 62-105m, mực nước ngầm giảm 1,48 mét so với 5 năm trước (trung bình mỗi năm giảm 0,3 mét). Tầng 105-157 mét mực nước giảm gần 1 mét (trung bình giảm gần 0,2mét/năm).
Ngoài việc giảm mực nước ngầm nghiêm trọng, theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng thì hiện toàn tỉnh cũng có khoảng 1.600 giếng khai thác nước ngầm bị hư hỏng nhưng không được trám lấp đúng kỹ thuật, việc chậm xử lý, khắc phục các giếng nước ngầm sẽ dẫn đến nguy cơ thông tầng và ô nhiễm đến nguồn nước ngầm là rất lớn…
(Theo Monre.gov.vn)