Cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước từ trước tới nay chưa thực sự được xem là công cụ phục vụ quản lý, chia sẻ và bảo vệ tài nguyên nước. Những hạn chế này đã được khắc phục trong Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước vừa được Chính phủ ban hành mới đây.
Điều kiện cấp phép được quy định chặt chẽ hơn
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, trừ các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải đăng ký, không phải xin phép được quy định tại Điều 16 thì các trường hợp còn lại phải thực hiện việc xin cấp phép trước khi muốn khai thác, sử dụng hay xả nước thải vào nguồn nước.
Theo Nghị định, để được cấp giấy phép tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản. Cụ thể: Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này. Đây là điểm mới mà trong Luật Tài nguyên nước 1998 chưa quy định. Điều này sẽ tạo điều kiện cho người dân được tham gia đóng góp ý kiến đối với những công trình khai thác sử dụng nước có ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống dân sinh của người dân.
Bên cạnh đó, phải có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực. Trước đây, quy hoạch, kế hoạch, các dự án có liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không quy định có sự tham gia của cơ quan quản lý tài nguyên nước đã tạo ra lỗ hổng để tổ chức, cá nhân “trốn” việc xin cấp phép. Điều này có thể lý giải “tồn tại” hiện nay không ít doanh nghiệp khai thác nước với quy mô lớn nhưng khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra lại không hề có giấy phép.
Khai thác nước mặt phải có quy trình vận hành hồ chứa
Đối với trường hợp xả nước thải vào nguồn nước, ngoài điều kiện quy định trên đây còn phải đáp ứng các điều kiện: Có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân khác đủ năng lực thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp đã có công trình xả nước thải; Có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để thực hiện việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quan trắc hoạt động xả nước thải đối với trường hợp chưa có công trình xả nước thải;
Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, còn phải có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước theo quy định; trường hợp chưa có công trình thì phải có phương án bố trí thiết bị, nhân lực thực hiện việc quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước.
Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình;
Cùng với đó, phải có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.
(Theo monre.gov.vn)