Rùng mình với rau muống bẩn

Xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng (Hà Nam) hiện là nơi cung cấp phần lớn rau cho thị trường Hà Nam và các tỉnh lân cận. Thế nhưng, có mục sở thị mới thấy công nghệ trồng “rau muống sạch” trên dòng sông Nhuệ khủng khiếp như thế nào.

Sông Nhuệ đi qua xã Hoàng Tây có chiều dài không đến 5km, nhưng có lưu vực lòng sông rộng nhất, hơn 500 hộ dân sống hai bên bờ đê đã tận dụng triệt để diện tích mặt nước để thả rau muống. Thế nhưng, sông Nhuệ hiện đang hứng chịu lượng nước thải từ 8 khu và cụm công nghiệp với 157 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động, 266 cơ sở ngoài khu công nghiệp và cụm công nghiệp, 358 làng nghề và các đô thị, khu dân cư, khách sạn, nhà hàng, cở sở y tế… Mỗi ngày có hơn 2.592.000m3 nước thải được thải ra dòng sông này.

Chính vì thế, những ngọn rau muống non muợt đang sống trên sông Nhuệ đều phải lấy “dinh dưỡng” từ dòng nước đen đặc quánh luôn bốc mùi hôi thối nồng nặc, rác và xác cá nổi trắng hai bên bờ.

Chị Nguyễn Thị Thức, thôn Thọ Lão với thâm niên trồng rau 15 năm cho biết: “Rau muống chỉ cần đem thả xuống nước hơn một tháng là hái được, chẳng cần phải bón phân hay phun thuốc bảo vệ thực vật gì cả mà rau vẫn lớn nhanh như thổi. Nước chỗ nào càng đen, càng hôi thối thì rau càng xanh và nhanh được hái bán”.

Những người trồng rau ở đây cho rằng đó vẫn là “rau sạch” vì dù có trồng trên dòng sông đang bị ô nhiễm nặng thì cũng không ảnh hưởng gì vì chỉ hái rau trên phần ngọn, lại không có thuốc sâu hay thuốc tăng trưởng. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì rất ít nhưng người dân ở đây dùng rau mình trồng ra để ăn trừ khi bị nhỡ bữa.

Bà Vũ Thị Phượng, thôn Yên Lão miệng bịt khẩu trang kín mít, tay đang hái những ngọn rau muống nói: “Chúng tôi thường tiêu thụ rau theo hai mối chính đó là bán lại cho dân buôn và các nhà hàng với mức giá từ 600 đến 1000 đồng một mớ. Việc chẳng nặng nhọc gì mà mỗi ngày cũng thu nhập được gần 70 nghìn đồng. Vào mùa nước nổi, rau đắt, dân buôn trên Hà Nội đánh cả xe về mua hai nghìn đồng một mớ mà không có rau để bán”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Tây cho biết: “Rau muống, loại rau thủy sinh vừa được đưa vào danh sách nhóm thực phẩm không an toàn trong một cuộc khảo sát của Phân viện bảo hộ lao động TP.HCM vì có hàm lượng nhiễm chì vượt quá mức cho phép do được trồng trên những nguồn nước bị ô nhiễm. Trung bình mỗi năm xã Hoàng Tây có hơn 100 ca bị táo bón, ngộ độc thực phẩm và gần chục người chết vì căn bệnh ung thư”.

Mặc nhưng lời cảnh báo, vì lợi nhuận mà mỗi ngày trên bến đò bà Thầm hàng trăm sọt rau vẫn qua sông về các chợ Phủ Lý, Đồng Văn, Nhật Tân và không ít trong số đó được đưa về Hà Nội phục vụ những người dân thủ đô. Ngày nào ý thức người trồng rau còn bỏ ngỏ thì ngày đó người tiêu dùng vẫn phải ăn “rau muống bẩn” với đầy rẫy nguy cơ bệnh tật.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)