Quản lý tài nguyên nước gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội

anh-thoi-su-1-ngay-410-1Trong bối cảnh nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội tăng cao như hiện nay, khai thác sử dụng tài nguyên nước để phục vụ đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế, trở thành vấn đề thời sự. Các vấn đề nước luôn là chủ đề nóng trong mọi mặt của cuộc sống.

Điều này đã được chỉ rõ trong mục tiêu tổng quát của chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020: “Bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia trên cơ sở quản lý tổng hợp thống nhất tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội”.

Sức ép gia tăng

Thời gian gần đây, công tác quản lý, khai thác sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước đã đạt những kết quả đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn mang tính khách quan và chủ quan trong phát triển tài nguyên nước.

Cụ thể, trước tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước tiếp tục gia tăng, các hoạt động chặt phá rừng, biến đổi khí hậu đã gây ra hiện tượng thiếu hụt lượng mưa, mưa trái mùa hay tập trung cường độ cao trong thời gian ngắn, nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại… khiến dòng chảy sông suối bị suy giảm, hạn hán, xâm nhậm mặn, lũ lụt, ngập úng… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và dân sinh.

Mùa khô năm 2015 và 2016, lượng mưa trung bình ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên chỉ đạt 60-70% trung bình nhiều năm; xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa từ Thanh Hóa tới Quảng Ngãi, đặc biệt là trận mưa lớn vào tháng 8/2015 tại Quảng Ninh (1.500 mm trong 10 ngày) và băng tuyết xuất hiện vào tháng 1/2016 tại Sapa đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sản xuất của người dân.

Số liệu thống kê cho thấy hầu hết các thành phố, thị xã ở Việt Nam đều có hệ thống cấp nước tập trung (khoảng 47% tổng số thị trấn có dự án xây dựng hệ thống cấp nước tập trung); đối với khu vực đô thị đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước, khu vực nông thôn có khoảng 62% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng nếu xét theo tiêu chuẩn nước sạch thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 30%.

Một số vùng cao, vùng khan hiếm nước như Đồng Văn (Hà Giang) cũng đã có công trình cấp nước hợp vệ sinh đảm bảo nhu cầu sinh hoạt. Tại một số địa phương hiện nay nguồn nước đã và đang được ưu tiên điều tra, đánh giá như các làng ung thư, xã mắc bệnh lạ, nhằm tìm ra giải pháp cấp nước đảm bảo sức khỏe cộng đồng trong khu vực.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng biểu hiện rõ rệt hơn, đôi khi dẫn tới tình trạng mất kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Gia tăng nhu cầu nước của các ngành kinh tế, xã hội dẫn đến tình trạng sử dụng nước bất hợp lý, kém hiệu quả trong điều kiện nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt, cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước còn nhiều bất cập.

Hơn nữa, dưới sức ép của quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh cũng là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.

Nước là sản phẩm hàng hóa

hochuanuoc

Kinh tế ngày càng phát triển thì nhu cầu về nước ngày càng nhiều, đã đến lúc đưa những quan điểm kinh tế vào công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Thời gian gần đây, nguyên tắc “Người dùng nước phải trả tiền” đã được đưa vào quy định của Luật Tài nguyên nước theo Chương VI – Điều 65 về: “Tiền cấp quyền khai thác” là một điểm nhấn quan trọng để ràng buộc trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước đến từng người dân.

Nước đã được coi là sản phẩm hàng hóa, các hoạt động bảo vệ, phát triển tài nguyên nước được thực hiện theo hướng xã hội hóa; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dịch vụ về nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Muốn sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức kinh doanh, có tính toán thu chi, phân tích hiệu quả kinh tế nhằm đảm bảo duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất phục vụ các nhu cầu ngày càng tăng về nước.

Theo đó, cần thể hiện được những yếu tố tích cực như: Thúc đẩy nghiên cứu sự phát triển nhu cầu về nước của dân cư, khu công nghiệp, nông nghiệp và các nhu cầu khác; tính toán khả năng các nguồn nước cung cấp để thực hiện cân đối nước theo vùng lãnh thổ, theo địa điểm cụ thể; tác động tích cực đến việc xác định các khu công nghiệp mới, khu tập trung dân cư hay phát triển đô thị đảm bảo cân đối nguồn nước trong khu vực; khai thác theo chiều sâu, tái sử dụng một số nguồn nước thải, giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế; tạo nguồn vốn cho công tác phòng chống lũ lụt, phòng ngừa các tác hại, thiệt hại thiên tai…

Đã có quan điểm cho rằng, Việt Nam cần thực hiện tính thuế sử dụng tài nguyên nước như với sử dụng tài nguyên đất. Theo đó, sử dụng tài nguyên nước cho nông nghiệp, thủy điện, cấp và thoát nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, cho các hoạt động dịch vụ tính theo lưu lượng (m3/s) không đặt vấn đề tính thuế sử dụng tài nguyên nước cho việc tiêu túng cho nông nghiệp và nông thôn; sử dụng nước cho vận tải thủy tính theo tấn/km hoặc người/km; sử dụng tài nguyên nước có đánh bắt cá, làm muối tính theo sản lượng (tấn); sử dụng tài nguyên nước tính cho nuôi trồng thủy sản, văn hóa, du lịch tính theo diện tích mặt nước (ha)…

Phát triển bền vững nguồn nước khi xét đến kinh tế sử dụng nước làm thay đổi căn bản ý thức khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn nước hiện có, ý thức bảo vệ, ý thức trách nhiệm, sử dụng nước tiết kiệm không bị suy thoái và có thể sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quản lý cũng cần xem xét tới một số đối tượng sử dụng nước mà các đối tượng này được xã hội quan tâm, hơn nữa phải xét tới hiệu quả kinh tế – xã hội tổng thể.

Nói cách khác, hoạt động phát triển bền vững nguồn nước phải đảm bảo bền vững trong cả ba yếu tố: Bền vững về kinh tế để mang lại hiệu quả kinh tế cao; bền vững về xã hội đảm bảo công bằng xã hội và được xã hội chấp nhận; bền vững về sinh thái, luôn coi trọng bảo vệ môi trường khi tiến hành các hoạt động phát triển nguồn nước.

Có thể nói, nghiên cứu giá trị kinh tế sử dụng nước trong quản lý và phân bổ nguồn nước nhằm khai thác, sử dụng hài hòa, hợp lý các nguồn nước hiện có, bảo đảm công bằng, hiệu quả giữa các đối tượng sử dụng trước mắt cũng như lâu dài, góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội là việc làm cấp thiết hiện nay.

(Tổng hợp: TTDLTNN)