Quảng Nam: Nghịch lý công trình nước sạch ở Nam Trà My

Nằm ở thượng nguồn sông Tranh, con sông hùng vĩ có nguồn nước tưởng chừng như vô tận, nhưng những người dân ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn thiếu nước sinh hoạt. Nghịch lý ở chỗ, tại địa phương này có đến 4 công trình nước tự chảy, phục vụ sinh hoạt với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng lại không hoạt động.
Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Tam Kỳ hơn 100km đường đồi núi, trung tâm hành chính Tăk Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My có đến hàng chục cơ quan, trường học đứng chân và hàng ngàn người dân sinh sống. Nhu cầu về nước sinh hoạt là rất lớn, tuy nhiên trong thời gian gần đây, mỗi khi muốn dùng nước thì cá nhân, đơn vị cũng như các trường học phải tự mua ống nước, rồi thuê nhân công lên tận nguồn các con suối để lắp đặt hệ thống dẫn nước về nhà. Bà Nguyễn Thị Huê (trú thôn 1, xã Trà Mai) cho biết: trước đây chúng tôi có dùng nước theo hệ thống nước tự chảy, nhưng được ít bữa, do không có người quản lý, vận hành cũng như bảo quản nên hệ thống van, khóa đã bị hư hỏng. Sau mỗi trận mưa lớn là đất cát lấp các ống nước.
Qua tìm hiểu, được biết tại khu vực trung tâm huyện Nam Trà My có 4 công trình cấp nước tự chảy được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó hệ thống cấp nước tự chảy xã Trà Mai được đưa vào sử dụng năm 2007, cung cấp nước sạch cho khu trung tâm hành chính huyện; công trình dẫn nước tự chảy qua trung tâm cụm xã vùng cao Tắk Pỏ – Thôn 1, xã Trà Mai, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2003, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân khu trung tâm Tắk Pỏ; công trình nước tự chảy nóc Ông Giới – thôn 2, xã Trà Mai, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2006, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nóc Ông Giới, các hộ dân dọc theo tuyến đường ĐT từ nhà Tình đến nhà Khánh Mai và trường bán trú cụm xã Trà Mai; công trình nước sạch thôn 1, xã Trà Mai, đưa vào sử dụng cuối năm 2004, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân nóc Tắc Ven, Tắc Lang, Tắc Nầm và các hộ dân dọc theo đường ĐT 616 từ cầu suối Re đến nhà Nhung An.
Tuy nhiên, hiện nay cả 4 công trình, hệ thống nước tự chảy phục vụ người dân hiện không thể hoạt động được. Hệ thống thì bị hư hỏng ống thu nước đầu nguồn; bể chứa không có tường rào bảo vệ nên thường xuyên có người tự ý đóng khóa van nước, mở các tấm đan đậy, lấy nước sử dụng trên mặt bể gây ô nhiễm nước; nhiều tuyến ống từ bể chứa để bể điều áp bị dập nứt do quá trình thi công công trình Khu san lấp nền nhà xã Trà Mai gây nên…
Anh Lê Văn Kế, nhà ngay dưới chân công trình cấp nước tự chảy xã Trà Mai bức xúc: nhà tôi bán quán ăn, lúc đầu có nước tự chảy thì mừng lắm. Nhưng chỉ ít bữa là ống vỡ, tắc từ đầu nguồn nên không có lấy một giọt nước để sinh hoạt chứ đừng nói là phục vụ kinh doanh. Do vậy, gia đình tôi phải đi hàng trăm km xuống đến Tam Kỳ mua đường ống về lấy nước từ đầu nguồn xuống phục vụ gia đình, rất tốn kém.
Thực trạng của các công trình nước tự chảy tại trung tâm hành chính Tăk Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My là như vậy. Nhưng khi hỏi đến các ban ngành chức năng của huyện thì nhận được những câu trả lời rất “vô tư”. Ông Phan Thanh Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện các công trình này được giao cho địa phương quản lý. Chúng tôi không thể cung cấp số liệu cụ thể cho phóng viên vì chức năng của Phòng chỉ trả lời đến thế!?
Với chức năng tham mưu cho UBND huyện trong công tác định canh định cư, phát triển xản xuất, ổn định đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc…, vậy mà ông Trưởng phòng Nông nghiệp lại trả lời một cách vô trách nhiệm với đời sống, sinh hoạt của người dân như vậy. Được biết, trong số 4 công trình nước tự chảy của trung tâm huyện Nam Trà My, có 1 công trình do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My làm chủ đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Ny, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: vẫn biết là những công trình nước tự chảy tại trung tâm huyện đã bị hư hỏng, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng như các cơ quan, đơn vị và trường học đứng chân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, hiện huyện đang kêu gọi một dự án cấp nước sinh hoạt với quy mô hàng chục tỷ đồng nhưng để được triển khai thì còn phải… chờ.
Vẫn biết việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và hệ thống nước sạch tại huyện miền núi như Nam Trà My nói riêng là rất khó khăn và tốn kém. Tuy nhiên, cũng cần có sự quan tâm, sâu sát của ngành chức năng trong việc quản lý, vận hành, sửa chữa các công trình để cung cấp nước cho người dân.
 

 

 (Theo Monre.gov.vn)