Quản lý tài nguyên nước hướng tới phát triển đô thị bền vững: Cần sự nỗ lực và đồng thuận của toàn xã hội

Toàn cảnh hội thảo
Trong suốt thế kỉ 20, trên toàn cầu tổng lượng nước sử dụng cho công nghiệp và đô thị đã tăng 24 lần trong khi lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chỉ tăng khoảng 5 lần. Tỷ lệ người nghèo ở đô thị – những người sống trong điều kiện nhà ở và vệ sinh thấp kém, và thường không được tiếp cận với các nguồn nước an toàn – hiện khoảng trên 800 triệu người và con số này đang tăng lên hàng ngày. Vì thế, quản lý nguồn nước trong bối cảnh đô thị hóa hiện là một thách thức lớn đối với hầu hết các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo khoa học Nước cho phát triển đô thị tổ chức vào chiều 21/3, tại thành phố Phan Rang- Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận).

Hội thảo do Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức. Đây là một trong những sự kiện chính của chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay. 

Hơn 800 ngàn hộ dân chưa được dùng nước sạch

Tại các đô thị ở Việt Nam, hiện vẫn còn khoảng 822 ngàn hộ dân chưa được cung cấp nước sạch. Tính trung bình, tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 73% với mức sử dụng nước sạch bình quân 90 lít/người/ngày, có nghĩa là vẫn còn khoảng 27% dân số đô thị chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình khoảng 30% (nhiều đô thị lên tới gần 40%) – còn ở mức cao hoặc rất cao so với các nước khác.

Nước sạch và vệ sinh môi trường đang là vấn đề bức xúc ở tất cả các vùng. Tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước sạch còn ít, nhiều loại bệnh liên quan đến nguồn nước vẫn thường xảy ra. Những xung đột trong sử dụng tài nguyên môi trường đang diễn ra ở nhiều vùng đặc biệt ở ven đô, ven biển… Một trong những nguyên nhân ấy là do thiếu quy hoạch tổng thể mang tính liên ngành đối với khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường trong các vùng sinh thái nông thôn, công tác quản lý tài nguyên môi trường còn chồng chéo, trách nhiệm chưa rõ ràng, thống nhất, trình độ dân trí và ý thức người dân còn hạn chế trong việc bảo vệ và giữ gìn tài nguyên nước nói riêng.

Theo Ths. Nguyễn Trung Dũng, Viện Phát triển bền vững Tây Nguyên, cần có các chính sách, cơ chế đồng bộ; một số văn bản dưới luật cần cụ thể, rõ ràng để dễ đưa vào cuộc sống. Công tác quy hoạch sử dụng các loại tài nguyên – môi trường phải đi trước một bước với những kế hoạch thực hiên cụ thể và khả thi. Đồng thời, có cơ chế, chính sách và giải pháp để khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào quản lý tài nguyên nước.

Nhu cầu về nước trước thách thức của đô thị hóa và biến đổi khí hậu

Hiện nay, quá trình đô thị hóa đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác QLTNN, cấp nước, vệ sinh, hệ sinh thái và môi trường trong đó mối quan hệ giữa nguồn nước và đô thị là rất mật thiết. Các vấn đề này trở nên trầm trọng hơn ở những đô thị có mức độ dễ bị tổn thương cao trước các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Quá trình đô thị hóa sẽ không thể bền vững nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đối phó với các thách thức này.

Những vùng, khu vực được dự tính chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu là dải ven biển Trung bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. “Đặc biệt, tỉnh Ninh Thuận nằm ở bờ biển Nam Trung bộ, là nơi được dự báo sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Liệu có cách nào để “giữ” lại lượng nước mặt khá lớn trong 3 tháng mùa mưa để sử dụng cho suốt 9 tháng khô hạn sau đó trên địa bàn tỉnh?”, Ths. Nguyễn Công Thành, Ban Xây dựng Năng lực và Quản lý nguồn nước và dịch vụ công tỉnh Ninh Thuận băn khoăn.

Để làm được những điều đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai, cần bước khỏi lối mòn của những thói quen và phương thức quản lý cũ. Cần xây dựng những chính sách và công cụ pháp lý hữu hiệu hơn; tăng cường năng lực của các cơ quan và cán bộ quản lý; hiện thực hóa những ý tưởng và từng bước áp dụng những cách tiếp cận mới như QLTHTNN trong bối cảnh đô thị hóa và BĐKH; có sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của khối tư nhân, trong sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý. Và đặc biệt, cần đảm bảo rằng các cộng đồng dân cư có mối liên quan mật thiết nhất với các vấn đề về nước đô thị – có được nhận thức đầy đủ và được tạo cơ hội tham gia vào quá trình quản lý. Hơn lúc nào hết, cần có sự nỗ lực và phối hợp giữa tất cả các cấp các ngành và toàn xã hội.

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)