Mô hình quản lý lưu vực sông của Pháp, lồng ghép đánh giá môi trường chiến lược, khung quản lý tài nguyên nước vào chế tài luật và quy chế quốc gia, chiến lược quốc gia của Đức hay xác định 16 điểm trọng yếu để quản lý vùng ven biển của Hà Lan… là những kinh nghiệm hay của các quốc gia trong việc quản lý tài nguyên nước. Điển hình nhất ở Châu Âu phải kể đến là Cộng hoà Pháp với mô hình quản lý lưu vực sông, nhiều nước trong cộng đồng Châu Âu đã công nhận đây là mô hình quản lý hợp lý nhất và áp dụng theo mô hình này.
Đây là mô hình quản lý tài nguyên nước gắn kết trách nhiệm giữa chính phủ, chính quyền địa phương với cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp trên lưu vực sông, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của người dân và của các doanh nghiệp trong việc tham gia vào công tác quản lý cũng như giải quyết các vấn đề về nguồn nước và xử lý ô nhiễm nguồn nước.
Quản lý tài nguyên nước của Cộng hoà Pháp được thể hiện tập trung ở quản lý lưu vực sông. Toàn bộ lãnh thổ Cộng hoà Pháp được chia thành 6 lưu vực sông lớn, gồm: Seine – Normandie, Artois – Picardie, Rhin – Meuse, Loire – Bretagne, Adour – Garonne và Rhone – Mediterranée – Corse. Mỗi lưu vực sông có uỷ ban lưu vực sông và cơ quan lưu vực sông
Cộng hoà Pháp cũng quản lý tài nguyên nước theo nguyên tắc người sử dụng nước và người gây ô nhiễm nguồn nước phải trả tiền. Nguyên tắc được đề ra là “mỗi giọt nước được cung cấp, mỗi giọt nước thải ra đều phải đóng tiền” để sử dụng vào việc cấp nước và xử lý ô nhiễm nguồn nước.
TS Fritz Holzwarth, Bộ Liên bang Đức về Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân cho biết, muốn quản lý hiệu quả tài nguyên nước cần xác định 4 mục tiêu cốt lõi: nguồn cung an toàn, xử lý hiệu quả, sử dụng bền vững và chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Fritz Holzwarth cũng nêu số sáng kiến của Chính phủ Đức đã phát huy được hiệu quả tốt như lồng ghép đánh giá môi trường chiến lược, khung quản lý tài nguyên nước vào luật và quy chế quốc gia, chiến lược quốc gia; sử dụng chiến lược phát triển công nghệ cao; kêu gọi công chúng và các hiệp hội cùng chung tay tham gia bảo vệ tài nguyên nước.
Hà Lan là một nước ven biển và là cửa ngõ vào EU, có phần lớn đất đai nằm dưới mực nước biển và những phần đất thấp thường bị ngập, chính đặc điểm đó đã làm cho Hà Lan trở thành chuyên gia đứng đầu thế giới về xây dựng đê, đập, giữ cho đất khô ráo, đặc biệt là mực nước biển dâng lên dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tạo ra nhiều thách thức.
Hà Lan cũng là một quốc gia thành công trong việc quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước, đặc biệt là vùng ven biển. Quản lý tổng hợp vùng ven biển tại Hà Lan dựa trên phương pháp tiếp cận ưu tiên. Vấn đề về an toàn lũ lụt và quản lý xói lở giữ vai trò quyết định và được Chính phủ Hà Lan đặt hàng đầu.
Do vậy phương pháp tiếp cận của quản lý tổng hợp vùng ven biển tại Hà Lan là phương pháp tiếp cận theo các điểm xung yếu tại vùng ven biển. Có tất cả 16 điểm xung yếu được xác định tại Hà Lan.
Đối với mỗi điểm xung yếu đó, chính quyền các tỉnh xây dựng quy hoạch tổng hợp không chỉ nhằm tăng cường bảo vệ bờ biển khỏi lũ mà còn nhằm cải thiện chất lượng môi trường vùng ven biển. Do ưu tiên về an toàn bờ biển, các biện pháp quản lý vùng ven biển khác cũng phải dựa trên cơ sở lồng ghép với các biện pháp an toàn bờ biển.
(Theo Báo Lao Động tổng hợp)