Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng. Hiện tượng này đã xuất hiện rõ trong những năm gần đây và đã ảnh hưởng gay gắt đến nguồn nước của nước ta, điển hình là hiện tượng hán hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.
Bên cạnh đó, tài nguyên nước của Việt Nam tiềm ẩn nhiều yếu tố không bền vững như: bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh từ nước ngoài chảy vào (chiếm khoảng 63% tổng lượng nước trung bình hàng năm của hệ thống sông nước ta); nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; chịu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Trước các thách thức về an ninh nguồn nước, theo bà Nguyễn Thị Thu Linh – Phó Cục trưởng – Cục quản lý tài nguyên nước các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước, tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt bảo đảm khai thác, bảo vệ có hiệu quả các nguồn nước, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của công tác quản lý tài nguyên nước là tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý đã được thể chế hóa trong Luật tài nguyên nước 2012 và các văn bản đã được ban hành trong thời gian qua, cụ thể:
Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; đồng thời trong thời gian tới, tiến hành rà soát, sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó cần có các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển tài nguyên nước và các dịch vụ về nước (điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình điều tiết nước, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nước) theo phương thức xã hội hóa. Đặc biệt là cần tăng cường đầu tư cho lĩnh vực tài nguyên nước.
Tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Cửu Long và các lưu vực sông lớn làm cơ sở cho các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước nhằm cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước. Đồng thời tổng kiểm kê tài nguyên nước và hiện trạng khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên phạm vi cả nước.
Hoàn chỉnh việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua hình thức giám sát tự động, trực tuyến.
Nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ chất lượng nước các sông, suối, hồ, ao,…nhất là các nguồn nước cấp cho sinh hoạt.
Nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng nhằm tăng cường trữ nước, điều tiết nguồn nước để bảo đảm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, hoàn thiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư các công trình trữ nước, điều tiết nước có hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra các vấn đề lũ lụt, hạn hán thiếu nước nghiêm trọng như hiện nay.
Thành lập và đưa vào hoạt động các Ủy ban lưu vực sông để thực hiện có hiệu quả và nâng cao vai trò trong việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.
Nghiên cứu, rà soát các khuyến nghị của Ngân hàng thế giới trong báo cáo Nghiên cứu về quản trị tài nguyên nước trong tình hình mới, đặc biệt khuyến nghị về thống nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước giữa các Bộ, ngành; tăng cường hiệu quả sử dụng nước, giải quyết các vấn đề ô nhiễm tài nguyên nước trên các lưu vực sông; đảm bảo sử dụng nước bền vững, đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nước cho các mục đích sử dụng; tham gia tích cực và thực thi các điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước trên cơ sở hợp tác, phối hợp, đấu tranh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn tài nguyên nước, trên nguyên tắc bảo đảm công bằng, hợp lý và bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.