Quản lý hệ thống sông Đồng Nai: Cần mô hình hợp lý hơn

tt314Theo nhiều nhà khoa học, chỉ có một cách căn cơ nhất để giải bài toán chất lượng nguồn nước tại TP.HCM là bảo vệ hệ thống sông Đồng Nai – hệ thống có hai con sông cung cấp nước chính cho thành phố: sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương liên quan cũng nhất trí với quan điểm này. Chính vì vậy, cách nay 3 năm, Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai đã ra đời với thành viên là tất cả 12 địa phương nằm trong lưu vực. 

Không hiệu quả? 

Theo quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai là cơ quan điều phối và giải quyết các vấn đề mang tính chất liên ngành, liên vùng trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong lưu vực. Ủy ban sẽ thông qua và chỉ đạo thực hiện các dự án thành phần, chương trình, kế hoạch 5 năm và hàng năm có liên quan đến lưu vực.

Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai nhiệm kỳ đầu do Chủ tịch UBND TP.HCM đảm nhiệm trong thời gian 3 năm. Các nhiệm kỳ tiếp theo với thời gian 2 năm do Chủ tịch UBND của một trong số 12 tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đảm nhiệm thông qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. 

Theo tin từ Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay môi trường lưu vực sông Đồng Nai (bao gồm các sông chính là Đồng Nai, Sông Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ và Thị Vải) đang ở mức báo động. Vấn đề ô nhiễm sông Đồng Nai mang tính liên vùng, không thể giải quyết trong phạm vi một địa phương.

Cũng theo Cục Bảo vệ môi trường, vùng hạ lưu sông Đồng Nai đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng và không thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu. Sông Sài Gòn bị ô nhiễm còn trầm trọng hơn, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ, vi sinh.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng của người dân, sau gần 3 năm hoạt động của Ủy ban, tình trạng ô nhiễm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí gia tăng.

Đến thời điểm này, nói về hoạt động của Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, nhiều nhà khoa học đã không ngần ngại nói rằng: không hiệu quả!

Có nhiều nguyên nhân nhưng theo Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nguyên nhân lớn nhất là mô hình hoạt động nêu trên không hợp lý.

GS-TS Lê Huy Bá lý giải: một tổ chức không có người đứng đầu đủ quyền lực để điều phối các thành viên còn lại thì tổ chức ấy sẽ rơi vào tình huống “không ai nghe ai” và hoạt động không hiệu quả. Đó là chưa kể đến việc chủ tịch mỗi địa phương đã rất bận với hàng trăm, hàng ngàn công việc của địa phương mình. 

Một số giáo sư cũng đồng tình với nhận định của GS-TS Lê Huy Bá và cho biết thêm, bộ máy chuyên môn giúp việc lãnh đạo ủy ban dường như vẫn chưa được hình thành đầy đủ, kinh phí hoạt động còn thiếu, đa phần là cán bộ kiêm nhiệm thêm nhiều công tác khác do đó khó hoạt động hiệu quả được. “Đây là lỗi của những người xây dựng nên mô hình này, không phải các địa phương”, GS-TS Lê Huy Bá nói.

Mô hình nào cho việc bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai?

Hệ thống sông Đồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên tỉnh Lâm Đông rồi chảy xuống 12 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ. Chính vì thế, trong tương lai, hệ thống sông này như thế nào là do chúng ta quyết định, một số nhà khoa học ở Viện Nước và Công nghệ môi trường đã nhận định như thế.

Vậy mô hình nào cho Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai hoạt động hiệu quả? “Tôi hình dung, đó phải là một mô hình tập trung, chuyên nghiệp, có quyền hạn đủ để điều phối và ngăn chặn các hành vi làm tổn hại đến lưu vực sông Đồng Nai” – GS-TS Lê Huy Bá chia sẻ.

Đây là mô hình được nhiều nước trên thế giới tổ chức nhằm bảo vệ các hệ thống sông quan trọng của mình. Có một mô hình chuyên nghiệp như vậy mới đủ thời gian và trí lực tập trung cho công việc. Hiện nay trên lưu vực sông Đồng Nai có khoảng 60 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, nhiều khu trong số này chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt chuẩn. Đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước sông Đồng Nai.

Một ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai hoạt động hiệu quả cũng có thể giúp hạn chế tình trạng nhiễm mặn và sụt giảm nguồn nước – nhiều nhà khoa học ở Viện Nước và Công nghệ môi trường khẳng định. Họ lý giải, tình trạng nhiễm mặn về nguyên tắc không do các nguồn thải trên lưu vực sông gây ra. Thế nhưng, nếu rừng không bị khai thác bừa bãi, không bị chặt phá, thủy điện được khai thác hợp lý… thì nguồn nước không bị sụt giảm và có thể giúp ngăn chặn nước mặn tiến sâu vào đất liền.

Bao giờ mới có một Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai hoạt động hiệu quả? Câu trả lời thuộc về những người có trách nhiệm. Sinh sống trong lưu vực sông Đồng Nai không chỉ có hơn 8 triệu dân TPHCM mà còn có hàng chục triệu người dân ở 11 tỉnh thành khác thuộc Đông Nam bộ. Sự sống còn của họ phụ thuộc vào hệ thống sông này. Đã đến lúc không thể không hành động mạnh mẽ hơn.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)