Quản lý bền vững nguồn nước cho Đồng bằng sông Hồng

An ninh tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Hồng là vấn đề lớn được đặt ra từ nhiều năm nay. Để đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đồng bằng sông Hồng cần nhận diện vấn đề và bước đầu đề xuất một số giải pháp để hưởng ứng chương trình triển khai Kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều nguy cơ đe dọa an ninh nguồn nước

Sông Hồng là sông lớn thứ 2 của Việt Nam (sau sông Mê Công), là sông quốc tế bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, bao gồm lãnh thổ của 3 nước: Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Tổng diện tích toàn lưu vực vào khoảng 169.020 km2 (lưu vực nằm ở Việt Nam chiếm 51,3%, Lào chiếm 0,7% còn lại thuộc Trung Quốc). Tuy nhiên, lượng dòng chảy sinh ra tại Việt Nam vào khoảng 61,1% và lượng dòng chảy sinh ra từ Trung Quốc vào khoảng 38,9%. Chiều dài sông Hồng trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 328 km. 

Trên lưu vực sông Hồng tổng cộng có 263 hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện với tổng dung tích 29,4 tỷ m3, dung tích hữu ích 19,2 tỷ m3, dung tích phòng lũ 8,6 tỷ m3. Riêng hệ thống hồ chứa lợi dụng tổng hợp phục vụ phát điện, chống lũ hạ lưu, cấp nước cho sinh hoạt, kết hợp cải tạo môi trường trên dòng chính bao gồm các hồ Hoà Bình 9,8 tỷ m3; Sơn La 9,2 tỷ m3; Lai Châu 1,2 tỷ m3; Bản Chát 2,1 tỷ m3; Huội Quảng 0,18 tỷ m3; Thác Bà 2,9 tỷ m3; Tuyên Quang 2,2 tỷ m3,… Tổng dung tích các hồ chứa thuỷ điện lớn là 27,86 tỷ m3, trong đó, dung tích phòng lũ gần 8,5 tỷ m3 (chiếm trên 30% tổng dung tích của các hồ thuỷ điện trong lưu vực). Các nhà máy thuỷ điện (NMTĐ) lớn có tổng công suất lắp máy: 6.260 MW, điện lượng thiết kế trung bình nhiều năm khoảng 27 tỷ kWh. Quan trọng hơn nữa, hệ thống các NMTĐ lớn còn có vai trò quan trọng trong điều tiết, ổn định cho cho hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh hiện nay.

Tổng lượng nước trung bình năm trên sông Hồng tính đến trạm Sơn Tây giai đoạn 1980-2015 là 104 tỷ m3, giai đoạn 2016-2019 là 98,9 tỷ m3. Tổng lượng nước trung bình mùa lũ (tháng VI đến tháng X) giai đoạn 1980-2015 là 73,6 tỷ m3, giai đoạn 2016-2021 (tháng XI đến tháng V năm sau) là 60,6 tỷ m3. Tổng lượng nước trung bình mùa cạn (tháng XI đến tháng IV năm sau) giai đoạn 1980-2015 là 30,4 tỷ m3 chiếm 39% tổng lượng nước cả năm. Lượng nước trung bình tháng nhỏ nhất giai đoạn 1980-2015 là 0,31 tỷ m3 (tháng II năm 1977), giai đoạn 2016-2021 là 2,7 tỷ m3 (tháng XII năm 2019).

Trên dòng chính của sông Hồng tại trạm Hà Nội, giá trị cực trị mực nước ngày nhỏ nhất, tháng nhỏ nhất, ba tháng nhỏ nhất lần lượt là 10,2; 97,1 cm; 111 cm đối với thời kỳ 1980-2015 và 12,3 cm; 89,3 cm và 93 cm đối với thời kỳ 2016-2021. Giá trị cực trị lưu lượng ngày nhỏ nhất, tháng nhỏ nhất, ba tháng nhỏ nhất lần lượt là 118 m3/s; 266 m3/s; 280 m3/s đối với thời kỳ 1980-2015 và 145 m3/s; 872 m3/s; 915 m3/s đối với thời kỳ 2016-2021. Qua đó cho thấy, dù cho lưu lượng tăng lên rất nhiều (cực trị lưu lượng tháng nhỏ nhất tăng 227%), nhưng cực trị mực nước tháng vẫn giảm 8 cm. Việc hạ thấp mực nước trên sông ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình sử dụng nước dọc sông, nhất là lấy nước vào các HTTL như đầu mối Cẩm Đình, Liên Mạc, Xuân Quan không đảm bảo đủ đầu nước tự chảy vào hệ thống tưới. Để khắc phục tình trạng này hàng năm Bộ NN&PTNT phải phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để điều tiết các hồ chứa lớn thượng nguồn sông Hồng (Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang) về hạ du từ 5 đến 7 tỷ m3 nước, ảnh hưởng khá lớn đến hiệu ích phát điện của các hồ trên. Bên cạnh đó, việc làm thêm các trạm bơm dã chiến và cải tạo một số trạm bơm tưới dọc dòng chính sông Hồng đang được triển khai để lấy được mực nước thấp nhưng chưa giải quyết được triệt để vấn đề.

Trên LVS Hồng, lượng nước tưới sử dụng khoảng 6,47 tỷ m3/năm, sinh hoạt và công nghiệp là 7,7 tỷ m3/năm, tổng diện tích gieo cấy lúa vụ Đông Xuân của các địa phương từ 570.000-610.000 ha. Theo Quy hoạch Phòng chống thiên tai và Thuỷ lợi (giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050), nhu cầu nước cho vùng Đồng bằng Bắc bộ sẽ thiếu khoảng 2,1 tỷ m3 đến 8,5 tỷ m3 (tuỳ theo kịch bản phát triển). Tình trạng thiếu nước tại các vùng chủ yếu tập trung vào mùa khô, do những nguyên nhân: Do điều kiện khí hậu khô hạn có xu hướng tăng; nhu cầu trong tương lai tăng; việc hạ thấp mực nước trên sông Hồng ảnh hưởng đến khả năng lấy nước vào các HTTL ngày càng nghiêm trọng.

Kết quả nghiên cứu cũng như thực tiễn cho thấy rằng, trong tương lai gần, ANNN sông Hồng đối với sản xuất và đời sống đang bị đe doạ, cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng như cả hệ thống chính trị. 

Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho Đồng bằng sông Hồng

Tổng hợp ý kiến từ nhiều chuyên gia, theo kết quả tính toán về nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng, nhu cầu nước hiện tại khoảng 18 tỷ m3; năm 2050 khoảng 22 tỷ m3 (chiếm 22% lượng nước đến). Tỷ trọng nhu cầu nước cho nông nghiệp hiện tại là 80%, đến 2050 còn 66%. Nếu không có các hồ chứa lớn ở thượng du thì 3 tháng II, III, IV bị thiếu nước. Trong thời gian xả nước gia tăng tổng lưu lượng xả vượt xa nhu cầu dùng nước.

Để khắc phục hiện tượng suy giảm mực nước trên sông Hồng, trong thời gian qua, một số giải pháp trước mắt đã được thực hiện như: Điều hành xả nước gia tăng từ các hồ chứa nhằm dâng mực nước trong từng thời điểm nhất định; lắp đặt các trạm bơm dã chiến phục vụ nhu cầu tưới tiêu; nạo vét luồng lạch, hạ thấp cốt đáy các công trình lấy nước dọc sông Hồng. Tuy nhiên, các giải pháp này về cơ bản chỉ mới đáp ứng được các nhu cầu trước mắt, tức thời và hạn chế đáp ứng trong phạm vi đối với nông nghiệp, thủy lợi.

Xu thế chung đối với vùng hạ du của các công trình thủy điện ở thượng nguồn là mất cân bằng về chế độ cấp nước cho hạ du và sự hạ thấp lòng dẫn, dẫn đến hạ thấp mực nước trong sông về mùa khô nghiêm trọng. Do đó, về lâu dài, cần phải có một giải pháp tổng thể cho vấn đề ANNN sông Hồng. Giải pháp mang tính chiến lược, đa mục tiêu, phát triển bền vững. Trên cơ sở phân tích điều kiện kinh tế và trình độ khoa học công nghệ hiện nay, giải pháp xây dựng các công trình dâng nước sông Hồng để điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất và KT-XH có thể được xem là giải pháp phù hợp nhất để giải quyết căn cơ cho vấn đề ANNN vùng hạ du sông Hồng. 

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025 cần khẩn trương có kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các Trạm bơm Phù Sa, Ấp Bắc, Trung Hà bổ sung công suất cho các trạm bơm Bạch Hạc, Liễu Trì, Đại Định; xây dựng mới các trạm bơm để thay thế các cống tự chảy Xuân Quan, Liên Mạc đảm bảo cho các công trình này thích ứng với việc hạ thấp mực nước và không phụ thuộc vào lượng xả tăng cường của các nhà máy thủy điện. Bên cạnh đó, cần hạn chế và dần chấm dứt tình trạng khai thác cát trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình, bảo đảm việc khai thác cát không là nguyên nhân gây hạ thấp lòng dẫn; Chuyển dịch cơ cấu sản xuất hợp lý từ cây lúa sang các cây trồng khác có nhu cầu dùng nước thấp hơn ở vùng cao, vùng thường xuyên khó khăn về nguồn nước hoặc nuôi trồng thủy sản ở vùng trũng thấp để đảm bảo tiết kiệm nguồn nước.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền định hướng sản xuất nông nghiệp của ngành và địa phương, hướng bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác để phù hợp với lịch lấy nước tập trung của cả khu vực, không phát sinh nhu cầu lấy nước thêm ngoài lịch lấy nước đã được xây dựng; nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xây dựng và sớm ban hành quy trình điều tiết hồ chứa thủy điện/lấy nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân; trong đó, quy định rõ các bước thực hiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương và cơ quan có liên quan; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành quá trình xả/lấy nước như nâng cấp, xây dựng website có tính tương tác cao giữa Bộ NN&PTNT với các địa phương; thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến lịch xả nước, báo cáo tiến độ lấy nước,… thông qua website này để tiết kiệm tối đa thời gian.

Về giải pháp lâu dài, cần thực hiện, theo dõi, dự báo thường xuyên tình trạng hạ thấp lòng dẫn sông Hồng làm cơ sở nghiên cứu và triển khai các giải pháp để chống hạ thấp lòng dẫn, nâng cao mực nước hạ du sông (đập ngầm ổn định đáy sông, đập ngăn sông,…); hoàn thiện hệ thống lấy nước chính dọc sông Hồng để chủ động khả năng lấy nước, không phụ thuộc vào lượng xả từ các hồ chứa thủy điện.

TS. HOÀNG VĂN THẮNG
Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 14 (Kỳ 2 tháng 7) năm 2024