Phú Thọ: Hàng trăm hộ dân sống cạnh sông vẫn thiếu nước sinh hoạt

Về Cổ Tiết và Hương Nộn, huyện Tam Nông (Phú Thọ) những ngày này mới cảm thấy nỗi vất vả của người dân nơi đây. Nước sinh hoạt đang là vấn đề “nóng” được bà con quan tâm còn hơn cả tình trạng cắt điện triền miên. Nhất là tại xã Cổ Tiết, địa phương nằm cạnh sông Hồng nhưng nguồn nước ngầm lại bị ô nhiễm nặng. Toàn xã có 14 khu hành chính thì có tới 8 khu thiếu nước sinh hoạt, trong đó các khu 1, 11, 12, 13 thiếu nước trầm trọng hơn cả.

Để đối phó với tình trạng thiếu nước, một số gia đình đào giếng dùng chung nhưng cũng rất khó tìm được vị trí đào giếng có nước, hoặc nếu có cũng không dùng được do có nước có màu vàng và cặn lắng. Ở Cổ Tiết, nhiều năm nay, các hộ dân đã phải mua nước sử dụng. Có những gia đình, mỗi tháng phải bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua nước sạch. Ông Hán Ngọc Thanh, khu 11 cho biết, gia đình cũng đã vài lần đào giếng nhưng nước không dùng được, năm ngoái gia đình còn thuê thợ về khoan hai giếng, mỗi giếng sâu từ 40 – 50 m nhưng nước bơm lên có màu vàng, mùi hôi tanh, nước đun sôi có lớp váng. Trung bình mỗi tháng gia đình phải mua tới 200 can nước, tính rẻ cũng trên 300.000 đồng. Do khó khăn về kinh tế, phần lớn các gia đình ở khu vực này chỉ mua nước để ăn uống, còn nước dùng để vo gạo, rửa rau và sinh hoạt hàng ngày vẫn phải dùng nguồn nước không hợp vệ sinh này. Bình quân hàng tháng, mỗi gia đình cũng bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua nước ăn, mua phèn về làm trong nước.

Có cầu là có cung. Một số gia đình có giếng không bị ô nhiễm đã hình thành dịch vụ bán nước sạch. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Kiên, khu 5, xã Cổ Tiết là một ví dụ. Măy mắn, gia đình anh đào được giếng trúng mạch nước sạch nên giếng lúc nào cũng ăm ắp nước. Thấy nhu cầu của người dân trong khu vực, anh đã quyết định mua xe bò chở nước đi bán. Năm năm qua, nhờ cái giếng này trung bình một ngày anh Kiên bán được khoảng 4-5 chuyến (mỗi chuyến 12 can 20 lít) với giá 2.000 đồng mỗi can. Hay như gia đình anh Hà Văn Hiển ở khu 5 cũng vậy. Mỗi ngày hai lần, vợ chồng anh lại kéo xe chở nước đi bán khắp làng, vừa tăng thu nhập, vừa “giải hạn” cho nhân dân khát nước.

            Cùng với Cổ Tiết, xã Hương Nộn cũng có nhiều khu thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. “Chẳng ai nghĩ nằm cạnh một con sông lớn như sông Đà lại không có một giọt nước sạch để dùng” – ông Lê Minh Khang, Trưởng khu 4 (xã Hương Nộn) ngao ngán nói. Ông cho biết thêm, trên địa bàn xã có nhiều khu thiếu nước sinh hoạt nhưng “khát” trầm trọng nhất vẫn là ở khu 4. Cả khu có 152 hộ với 506 khẩu, nhà nào cũng thiếu nước sinh hoạt, hàng ngày các hộ phải gồng gánh đi xin, ai không xin được thì mua. Mất điện còn cố chịu được, chứ không có nước cây còn chết huống chi người!

           Nếu không mua nước giếng mà mua nước sạch thì người dân ở đây phải trả tới 100.000 đồng/m3. “Nước được chở bằng xe téc từ huyện Lâm Thao sang, mà muốn mua cũng phải đặt trước. Không có nước sạch dùng thì phải mua chứ cũng xót tiền lắm, mà nước có sạch không, lấy ở đâu chúng tôi cũng chịu!” – bà Nguyễn Thị Trâm, khu 4 xã Hương Nộn nói.

           Khu 4 xã Hương Nộn nằm dọc sông Đà và ven Quốc lộ 32A , do ở vị trí cao hơn các khu khác, nên dù có công trình nước sạch, nhưng nước cũng không lên được đến nơi, họa hoằn mới chảy “le te” mấy dòng và nước thường lắm cặn vôi, có màu vàng nhạt, vì vậy người dân chỉ dám dùng hạn chế. Tại các khu 3, 4, 5… đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng và phải mua nước với giá cao. Trước đây, khi có trạm cung cấp nước sạch ở khu 7, nhiều hộ dân đã lấp giếng đào để lắp đường ống dẫn nước sạch, nhưng nay nhiều hộ lại đang phải “khơi” lại giếng với hy vọng tìm được nguồn nước cho sinh hoạt hàng ngày!

           Không chỉ người dân mà ngay cả UBND xã Hương Nộn cũng phải mua nước về sử dụng hàng ngày. “Ở gần sông vẫn không có nước, đó là nghịch lý ở Cổ Tiết và Hương Nộn. Thực tế này khiến chính quyền địa phương đau đầu nhiều năm nhưng chưa biết xử lý thế nào. Thiếu nước đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây. Thấy người dân bỏ ra cả trăm nghìn đồng để mua một khối nước về dùng mà thấy xót xa”- ông Nguyễn Duy Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Tiết nói. Ông cho biết thêm, không những người dân khát nước mà hiện toàn bộ cơ quan Đảng ủy, UBND và các đoàn thể xã đang phải mua nước để dùng hàng ngày cũng với giá 2.000 đồng một can 20 lít. Nhiều năm nay, xã cũng đã có nhiều kiến nghị lên các cấp thẩm quyền nhưng chưa có một cơ quan chức năng nào về lấy mẫu đo đạc đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước. Một công trình nước sạch được xây dựng ở đây luôn là ước mơ cháy bỏng của hàng nghìn nhân khẩu đang sống trong vùng nguồn nước bị nhiễm vôi và sắt.

           Cùng chung cảnh ngộ với xã Cổ Tiết, Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông (nằm trên địa bàn xã Cổ Tiết) cũng lâm vào tình trạng “khan” nước sinh hoạt nhiều năm nay. Bác sỹ Đặng Văn Tuyên, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, năm 2004, khi có nước sạch của chương trình Plan từ xã Hương Nộn đưa về, bệnh viện đã đầu tư xây hẳn một bể chứa có dung tích tới 50 m3. Tuy nhiên, một thời gian sau, nước khan hiếm dần. Để “chống hạn”, bệnh viện đã phải đào tới 4 cái giếng để lấy nước dùng cho các khoa, phòng và phục vụ công tác khám chữa bệnh. Nhưng nhiều lúc giếng cũng cạn, lại phải mua nước từ Lâm Thao với giá 90.000 đồng/m3 mà cũng phải đăng ký chán chê mới mua được.

           Trước đây nhà nào cũng có giếng, nhưng từ khi có dự án nước sạch thì các gia đình lấp hết giếng. Tuy nhiên, hiện nay do nước sông vẫn ở mức thấp, cắt điện triền miên nên các công trình nước sạch không phát huy được tác dụng. Thêm nữa, nếu các công trình này chạy bình thường, thì những gia đình ở cuối nguồn nước hoặc ở khu vực cao hơn cũng rất có ít nước để dùng.

( Theo Trương Văn Quân – http://www.monre.gov.vn)