Phú Thọ: Cần quản lý, khai thác hiệu quả nguồn nước khoáng nóng

Theo đánh giá, nguồn nước khoáng nóng ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) là loại nước vô cùng quý hiếm, đặc biệt rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khỏe và chữa bệnh. Nhưng những năm gần đây, do khai thác bừa bãi làm cho tràn lan nguồn tài nguyên quý giá này bị cạn kiện dần.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, khu nước khoáng nóng Thanh Thủy có diện tích được quy hoạch là 4.772 ha tại các xã: Bảo Yên (503,06 ha), Sơn Thủy 1.242,15 ha, Đoan Hạ 426,66 ha, thị trấn Thanh Thủy 924,23 ha (Thanh Thủy) và xã Thạch Khoán 1.676,44 ha (Thanh Sơn ). Tỉnh đã giao đất, cho thuê đất hoạt động có liên quan đến sử dụng nước khoáng cho 9 đơn vị với diện tích 218 ha: Gồm Công ty TNHH Sông Thao 87,03 ha; Công ty cổ phần Thương mại xây dựng Vạn Hưng 1,24 ha; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Tư vấn thiết kế BIC 69,23 ha; Bộ Tư lệnh tăng thiết giáp 0,47 ha; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội 2,25 ha; Công ty cổ phần Ao Vua 51,25 ha; Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Sơn Hải 4,92 ha; Công an tỉnh 1,18 ha; Công ty cổ phần đầu tư Thăng Long 0,43 ha.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện Thanh Thuỷ còn có hàng trăm hộ gia đình, cơ sở đang khai thác sử dụng nguồn nước khoáng vào mục dích sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ. Chỉ tính riêng thị trấn Thanh Thủy, hiện có tới 246 giếng với độ sâu từ 32-35m do người dân tự khoan lấy nước phục vụ đích sinh hoạt hàng ngày, tưới cây, tắm cho gia súc. Trong đó có gần 20 hộ làm dịch vụ kinh doanh tắm nước khoáng nóng…Việc khoan giếng tự phát đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Hàng trăm lỗ khoan, khai thác không có giới hạn định mức đã làm áp lực mỏ khoáng tụt xuống, ranh giới mỏ thu hẹp, độ nóng nước khoáng giảm theo. Qua số liệu điều tra tại lỗ khoan 101 năm 1982 đạt độ nóng 410C, đến năm 2000 chỉ còn 370C.
Vấn đề đáng quan ngại hiện nay là nước thải từ các dịch vụ kinh doanh nước khoáng nóng đã xả trực tiếp ra môi trường, không qua hệ thống xử lý. Một số nơi do địa hình trũng nên nước thải tích tụ thẩm thấu xuống đất, gây nhiễm bẩn tầng nước ngầm. Việc thu phí bảo vệ môi trường tại các các cơ sở kinh doanh dịch vụ này hầu như không thực hiện được vì các doanh nghiệp lấy lý do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, một số hộ kinh doanh chưa được UBND tỉnh cấp phép khai thác.
Cùng với ô nhiễm môi trường, nguồn thuế cũng bị thất thu. Qua kiểm tra, toàn bộ các gia đình đã khoan nước nóng sử dụng sinh hoạt, kinh doanh phục vụ tắm đều không có đồng hồ đo đêm khối lượng đã dùng, chủ yếu do các hộ kinh doanh tự khai, tự nộp nên ngành thuế không có cơ sở để tận thu triệt để. Theo quy định của UBND tỉnh, đối với thuế tài nguyên một khối nước khoáng nóng là 35 nghìn đồng, trong khi đó, hộ kinh doanh nộp thuế cao nhất chỉ 450 nghìn đồng/tháng, hộ thấp là 100 nghìn đồng/tháng.
Thực tế cho thấy, tại Công ty TNHH Khoa Niệm hiện có 1 bể bơi lớn và khoảng 40 phòng tắm. Với thâm niên kinh doanh gần 10 năm nay, khối lượng nước mà cơ sở này sử dụng không hề nhỏ. Công ty Tre Nguồn cũng đầu tư xây dựng một bể bơi cỡ lớn trong nhà có sức chứa 150m3, được thay nước 1 lần/ngày và 21 phòng nghỉ có bồn tắm khoáng nóng, khối lượng nước sử dụng hàng ngày lên đến vài trăm mét khối. Nếu áp theo mức thuế trên, tính riêng khối lượng nước bể bơi, mỗi ngày các doanh nghiệp này sẽ phải nộp trên dưới 4.000.000đ tiền thuế. Đó là chưa tính đến khối lượng nước sử dụng tại các phòng tắm đơn lẻ…
Nước khoáng nóng ở huyện Thanh Thuỷ là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, không chỉ có giá trị về y học mà còn là tiềm năng, lợi thế để huyện phát triển kinh tế, du lịch. Trước tình trạng khai thác bừa bãi, lãng phí nguồn nước khoáng nóng như hiện nay, tỉnh Phú Thọ cần sớm có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm những vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần phối hợp với các Sở, ngành đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhằm đưa vào khai thác hiệu quả nguồn nước khoáng huyện Thanh Thủy tạo nguồn thu cho địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển.
 

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)