Phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường năm 2010: Nâng cao nhận thức pháp luật từ cơ sở

91Nhằm phổ biến kịp thời, đầy đủ những quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, chủ doanh nghiệp, người lao động và quần chúng nhân dân để nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên và môi trường và ý thức tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… Đưa công tác phổ biển, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường đi vào nề nếp, có trọng tâm, trọng điểm, triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao. 

Với mục đích trên, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, mà đầu mối là Vụ Pháp chế triển khai Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường năm 2010 đến nhiều tỉnh, thành phố, địa phương trong cả nước với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, việc tổ chức Tuần lễ phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường đã được triển khai tại 3 tỉnh là Lào Cai, Gia Lai và Ninh Thuận. Tại 3 tỉnh này đã có 10 lớp phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường được mở, với tổng số hơn 3.000 học viên đại diện các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố, huyện, xã, phường, thị thấn, doanh nghiệp, tổ dân phố, khu dân cư, trưởng thôn, trưởng bản trên địa bàn tỉnh. Với tài liệu được chuẩn bị công phu, gọn, dễ hiểu, bao quát rộng trên cả 7 lĩnh vực thuộc Bộ quản lý, tại các lớp phổ biến, giáo dục pháp luật, các học viên đã được phổ biến và nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành trong những lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ gồm các quy định của pháp luật về đất đai; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; địa chất và khoáng sản; biển và hải đảo; tài nguyên nước và đo đạc bản đồ.

Ở từng lĩnh vực cụ thể, các học viên đã được các báo cáo viên thuộc các đơn vị: Vụ Pháp chế; Tổng cục Quản lý đất đai; Tổng cục Môi trường; Tổng cục Biển và Hải đảo; Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Cục Quản lý Tài nguyên nước; Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam; Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu – là những chuyên gia, những nhà quản lý giàu kinh nghiệm, nắm vững kiến thức pháp luật truyền đạt các nội dung mới nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Ở lĩnh vực đất đai, những vấn đề cơ bản và mới nhất trong quản lý Nhà nước về đất đai, sử dụng đất đai đã được các báo cáo viên truyền đạt đầy đủ. Chẳng hạn, trong việc xác định giá đất – một nội dung phức tạp – các học viên đều nhận thức được rằng, đây là một nội dung rất khó trong quản lý Nhà nước về đất đai. Khẳng định đất có giá trị tức là thừa nhận đất đai là quyền sử dụng đất là hàng hóa – loại hàng hóa đặc biệt. Giá đất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (kinh tế, xã hội, điều kiện tự nhiên, pháp luật …). Do vậy việc định giá đất ở Việt Nam vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện với mục đích là bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất. Giá đất ban hành phải được quy định chi tiết cho từng vị trí, từng thời gian, bảo đảm được chức năng quản lý và sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường. Luật Đất đai quy định nguyên tắc về định giá đất, bảo đảm sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp.

Đây là những quy định mới của pháp luật về đất đai, thể hiện tính kinh tế của đất, đưa đất trở về vị trí đích thực là tài sản đặc biệt, là nguồn vốn quan trọng trong quan hệ kinh tế.

Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về biển và hải  đảo, các học viên – nhất là những cán bộ quản lý tại các địa phương có biển (Ninh Thuận) – cũng được nhận thức đầy đủ và có hệ thống về các chính sách về biển của Việt Nam. Theo đó, vai trò của biển và định hướng phát triển đã được khẳng định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng V (1982), Nghị quyết Đại hội Đảng VI, VII, VIII, IX, X. Đặc biệt, Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 với các mục tiêu và định hướng cụ thể đã được chính thức phê duyệt bằng Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Triển khai thực hiện Chiến lược này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Nghị quyết đã đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu và việc tổ chức để thực hiện Chiến lược. Trong đó nhấn mạnh, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

Mục đích quản lý Nhà nước về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu là nhằm nâng cao hiệu quả việc thực thi luật pháp Nhà nước về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thông qua hoạt động thể chế hóa và giám sát thực thi, qua đó tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức xã hội có hoạt động liên quan đến khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu ngày càng phát triển để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng. Với mục đích đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh, ban hành và giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu luôn là vấn đề quan trọng, cần thiết nhằm đáp ứng và nâng cao hiệu quả của hoạt động khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội, và luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Thực tế trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu luôn có những điều chỉnh và đã đem lại hiệu quả đáng kể trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đã được Nhà nước, cộng đồng ghi nhận.

 

90

Toàn cảnh Hội nghị

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước. Văn bản quy phạm pháp luật khung về hoạt động đo đạc và bản đồ hiện nay là Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 21/01/2002 của Chính phủ về hoạt động ĐĐBĐ (sau đây viết tắt là Nghị định 12). Nghị định 12 là văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho việc thống nhất quản lý Nhà nước và triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ, đưa quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ đi dần vào nề nếp, giảm thiểu được tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí và hướng dần vào việc thống nhất sử dụng dữ liệu đo đạc cơ bản, chia sẻ và sử dụng chung thông tin. Sau khi Nghị định 12 được ban hành, từ tháng 1 năm 2002 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 38 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Nghị định và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ, trong đó có 1 Nghị định của Chính phủ, 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 29 Quyết định cấp Bộ, 7 Thông tư liên Bộ và 7 Thông tư cấp Bộ. Cơ quan quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành một hệ thống khá đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy phạm, quy định kỹ thuật, hướng dẫn quy trình công nghệ, định mức kinh tế – kỹ thuật, để áp dụng thống nhất trong quá trình thi công các công trình sản phẩm đo đạc và bản đồ. Ủy ban nhân dân một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản về quản lý hoạt động ĐĐBĐ thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Nóng bỏng nhất là vấn đề bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên khoáng sản. Thực tế cho thấy, hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học. Một trong những công cụ quan trọng để phân công trách nhiệm giữa các tổ chức, cá nhân trong xã hội trong việc bảo vệ môi trường chính là pháp luật. Hệ thống các quy phạm pháp luật quy định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường tạo thành pháp luật bảo vệ môi trường.

Như trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ – là những hoạt động nhằm phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của con người –  thường gây tiêu hao tài nguyên thiên nhiên và tạo ra những chất thải gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thường bị quy kết là những hoạt động tàn phá môi trường nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được tiếp cận theo hướng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường thì không những mục tiêu lợi nhuận lâu dài của hoạt động này cũng được đảm bảo mà mục tiêu môi trường được thực hiện. Qua đó, các lợi ích về môi trường sẽ tạo điều kiện thúc đẩy cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được thực hiện với kết quả lợi nhuận cao hơn. Ngược lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng góp phần bảo vệ, gìn giữ môi trường.

Bảo vệ môi trường từ cơ sở là chỉ những hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện bởi cơ sở. Với chính quyền, cấp cơ sở là cấp xã, phường, với người dân, cơ sở chính là bản thân mỗi cá nhân, công dân, mỗi hộ gia đình, đơn vị sản xuất, mỗi thôn, làng, bản… Hoạt động bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân, công dân có thể thực hiện thường xuyên trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày từ những hoạt động bảo vệ môi trường tại gia đình, tại nơi công cộng, khi đi chợ, mua sắm, khi đi tham quan, du lịch, quyền và trách nhiệm công dân.

Đó là những vấn đề được truyền đạt xuyên suốt trong các lớp phổ biến, giáo dục pháp luật mà Bộ TN&MT triển khai ở những địa phương.

Có thể khẳng định, việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường tại các địa phương trong năm 2010 đã đem lại những tác động thiết thực đối với công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường tại nhiều địa phương. Công tác này cần phải được làm thường xuyên, hàng năm. Ở từng lĩnh vực cụ thể, hiệu ứng lan tỏa là rất rõ trong công tác quản lý cũng như trong nhận thức của cán bộ quản lý về tài nguyên và môi trường, người dân từ cơ sở.

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)