Ngày 11/12/2010, tại trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai đã diễn ra phiên họp thứ 3 của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên; Chủ tịch UBND TP.HCM – Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai Lê Hoàng Quân; Thứ trưởng Bộ TN&MT- Phó Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai Bùi Cách Tuyến; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Một đồng chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo của các Bộ ngành hữu quan, lãnh đạo UBND tỉnh 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: “Các địa phương cần sớm thống nhất cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong lưu vực, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực”.
Chất lượng nước có “cải thiện” nhưng vẫn còn ô nhiễm
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực sông lớn của Việt Nam, cung cấp nguồn nước phục vụ đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội cho một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, đi liền với tốc độ tăng trưởng về kinh tế, tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ở nhiều nơi trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ngày càng gia tăng và có nơi lên đến mức báo động. Điều đó cho thấy, công tác bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đối với các Bộ, ngành và các địa phương.
Triển khai Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực, ngày 03/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” ( gọi tắt là Đề án sông Đồng Nai). Đề án với các mục tiêu, giải pháp cụ thể đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ cũng như các địa phương thuộc lưu vực trong việc giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường nước, góp phần hướng tới phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban BVMT sông Đồng Nai và 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực triển khai các nội dung của Đề án và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường), chất lượng nước lưu vực sông Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều điểm “nóng” nghiêm trọng (như đoạn sông Thị Vải) đã được cơ bản giải quyết. Tuy nhiên, sức ép lên môi trường nước của lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ngày càng lớn do các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Chất lượng nước mặt vẫn đang bị ô nhiễm, tập trung chủ yếu dọc các đoạn sông chảy qua các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung nhiều KCN và đô thị. Nguyên nhân gây ô nhiễm chính là từ các nguồn nước thải công nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, y tế và tác động của các hoạt động phát triển thủy điện, thủy lợi và khai khoáng. Tại các khu vực sông như Cầu Ông Buông, Cầu Đồng Nai (Đập Trị An), Trạm bơm Nhà máy Nước Thiện Tân…các thành phần N-NH4, BOD5, COD… đều vượt tiêu chuẩn cho phép.
Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát tội phạm về môi trường, Bộ Công An phát biểu ý kiến
Nhiều giải pháp tổng thể BVMT lưu vực sông Đồng Nai
Trong năm 2009 và các năm trước, Đề án sông Đồng Nai chủ yếu được các địa phương thực hiện thông qua việc lồng ghép hoạt động BVMT của các Sở, ngành. Từ năm 2010, được sự quan tâm của Đảng bộ, HĐND, UBND các tỉnh thành phố, các thể chế chính sách cụ thể triển khai Đề án sông Đồng Nai đã được chỉ đạo xây dựng và phê duyệt. Đến nay, đã có 8 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai Đề án sông Đồng Nai, 3 địa phương còn lại trong quá trình thẩm định phê duyệt. Trên cơ sở Kế hoạch đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, các Sở, ban, ngành đang xây dựng kế hoạch triển khai cho từng đơn vị trong các năm tiếp theo.
Cùng với những nỗ lực của các địa phương trong công tác BVMT nói chung, việc triển khai Đề án sông Đồng Nai trong năm 2010 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tình hình ô nhiễm môi trường nước trong hệ thống sông đã có dấu hiệu được cải thiện ( rõ rệt nhất là hiệu quả từ việc xử lý Công ty Vedan đối với chất lượng nước sông thị Vải); ý thức của cộng đồng đã từng bước được nâng cao; đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật môi trường không ngừng tăng cường; hệ thống quan trắc và giám sát môi trường được đầu tư và từng bước hoàn thiện; công tác thanh tra kiểm tra ngày càng hiệu quả tạo sự chuyển biến rõ rệt đối với nhận thức và hành động của doanh nghiệp…
Một trong những kết quả nổi bật chính là công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đã và đang được Bộ TN&MT, các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2010, Thanh tra Tổng cục Môi trường đã chủ trì, tổ chức triển khai 2 đợt thanh tra với tổng số 158 doanh nghiệp tại tất cả các địa phương trên lưu vực. Riêng kết quả thanh tra đợt 1, Đoàn thanh tra đã tiến hành lập 18 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, trong đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt với mức tiền 2.161.750.000 đồng.
PCT UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam phát biểu
Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát tội phạm về môi trường, Bộ Công An cho biết: Trong thời gian qua, tại địa bàn các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai, lực lượng cảnh sát môi trường đã tăng cường kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp vị phạm môi trường. Qua đó, phát hiện 2000 vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có 847 vụ có liên quan xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, xử phạt 15 tỷ đồng, khởi tố hình sự 5 vụ án…
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Qua công tác kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh đã lập danh sách theo dõi, giám sát chặt chẽ 60 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường; đồng thời đặt ra thời hạn cho các doanh nghiệp này khắc phục ô nhiễm triệt để. Đối với Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam cho biết, trong năm 2010 tỉnh đã tiến hành kiểm tra, thanh tra về BVMT được 948 doanh nghiệp, xử phạt 555 doanh nghiệp với số tiền phạt 12,8 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai Lê Hoàng Quân cho biết: 2 năm vừa qua, đặc biệt là năm 2010, 11 tỉnh, thành phố trên lưu vực đã tập trung triển khai có hiệu quả 16 nhiệm vụ mà Hội nghị Ủy ban sông Đồng Nai lần thứ 2 đề ra. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tất cả 11 tỉnh đều đều xây dựng Đề án và đề ra các kế hoạch hành động cụ thể hàng năm; đặc biệt khi tiến hành Đại hội Đảng các cấp, các địa phương đã đưa chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai vào chương trình hành động chung… thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai nói riêng của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, năm 2010 đánh dấu nhiều sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và đối với công tác BVMT các lưu vực sông nói riêng. Đối với lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đây cũng là thời điểm quan trọng để kiểm điểm, đánh giá lại những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua khi triển khai thực hiện Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03/12/2007 Thủ tướng Chính phủ về Đề án sông Đồng Nai đến năm 2020; đánh giá hiệu quả hoạt động của Ủy ban BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; từ đó xây dựng các giải pháp, kế hoạch triển khai Đề án tổng thể giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Ủy ban BVMT sông Đồng Nai đã tổ chức thành công 2 phiên họp, đã ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban, Văn phòng Ủy ban, thông qua kế hoạch triển khai Đề án sông Đồng Nai năm 2010, 2011 và cùng nhau thảo luận nhằm tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án sông Đồng Nai. Đó là những kết quả đáng ghi nhận của Ủy ban BVMT sông Đồng Nai.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên ghi nhận, các tỉnh, thành phố trên lưu vực đã bước đầu tích cực triển khai các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Đề án sông Đồng Nai; đã ban hành một số cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn và quy định, tạo được hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về BVMT lưu vực sông; ý thức tuân thủ pháp luật về BVMT của các tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp và người dân đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2008-2010 của Đề án tổng thể BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Hơn nữa, chất lượng môi trường nước trên lưu vực sông Đồng Nai nhìn chung vẫn chưa được cải thiện đáng kể trừ sông Thị Vải sau vụ việc Công ty Vedan.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu cũng thừa nhận một thực tế hiện nay, các tỉnh, thành phố khi triển khai các nội dung và nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án sông Đồng Nai còn thiếu đồng bộ và không cớ sự phối hợp chặt chẽ. Ví dụ điển hình đã từng xảy ra là một địa phương thì nhất quyết “từ chối” cấp phép một dự án có thể gây ô nhiễm môi trường, nhưng ngay sau đó một địa phương khác lại sẵn sàng “tiếp nhận”…
Cần tăng cường phối hợp giữa các địa phương trên lưu vực
Kết thúc Hội nghị lần thứ 3, các đại biểu đã nêu quyết tâm trong thời gian tới sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai Lê Hoàng Quân đề nghị: Các địa phương trên lưu vực cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, tiến hành xử lý triệt để những doanh nghiệp cố tình vi phạm, kể cả biện pháp rút giấy phép, đóng cửa hoạt động. Đồng thời, không cấp phép cho những dự án có thể gây ô nhiễm môi trường; kiến nghị với Trung ương xem xét cân nhắc dừng cấp phép đối với các dự án thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai…
Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại Hội nghị
Để tăng cường hiệu quả của Đề án sông Đồng Nai, Bộ trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, các địa phương cần lưu ý 5 vấn đề lớn:
Một là, phải coi công tác BVMT là một hoạt động quan trọng, không thể tách rời trong tiến trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Ô nhiễm môi trường trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ có thể được giải quyết khi từng tỉnh, thành phố làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố trên lưu vực cần khẩn trương xây dựng, thực hiện kế hoạch và bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; thường xuyên hơn nữa nâng cao nhận thức về BVMT cho các tổ chức, cá nhân và công đồng dân cư trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Hai là, cần sớm thống nhất cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong lưu vực, khắc phục ngay các xung đột lợi ích cục bộ, tuyệt đối tránh tình trạng vì lợi ích của địa phương mình mà bất chấp thiệt hại về lợi ích của các địa phương khác trên lưu vực. Chính vì vậy, các tỉnh, thành phố trên lưu vực cần phối hợp, sớm xây dựng kế hoạch triển khai thống nhất các mục tiêu đề ra trong Đề án tổng thể BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai theo từng năm và theo từng giai đoạn; thống nhất xây dựng một kế hoạch theo dõi, quan trắc và cơ chế chia sẻ thông tin về các chỉ tiêu bảo vệ môi trường, diễn biến chất lượng môi trường nước theo từng tỉnh, thành phố và trên toàn bộ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai để phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu tại Hội nghị
Ba là, nghiên cứu, xây dựng mô hình hoạt động của Ủy ban theo hướng tăng cường sức mạnh và hiệu quả quản lý của Ủy ban BVMT lưu vực sông; Đối với các tỉnh, thành phố chưa thành lập Ban chỉ đạo Đề án lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tại địa phương thì cần sớm xây dựng và thành, trong đó có sự tham gia của các Sở, ban, ngành liên quan theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5181/VPCP-KGVX ngày 26/7/2010. Sự hoạt động hiệu quả các cơ quan này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai các nội dung của Đề án.
Bốn là, các Bộ, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên lưu vực trong quá trình triển khai Đề án. Trong đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT để có cơ chế phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí chi từ nguồn 1% sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn khác tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực, bảo đảm đúng mục đích, đặc biệt là đối với các tỉnh có vốn ngân sách thấp và phân bổ chưa hợp lý nguồn vốn 1% chi sự nghiệp môi trường; ưu tiên dành ngân sách nhà nước để các tỉnh, thành phố hoàn thành các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Năm là, tập trung thảo luận Quy định về các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm cần hạn chế đầu tư trên địa bàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Đây là vấn đề khó và nhạy cảm, có thể có những vướng mắc với các quy định về đầu tư, cụ thể là Luật Đầu tư và các quy định liên quan khác.
(Theo Monre.gov.vn)