Phiên họp lần thứ sáu Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu: Khẳng định quyết tâm trả lại sự trong lành cho lưu vực sông Cầu

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chứng kiến Lễ chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban sông Cầu nhiệm kỳ 2011 – 2012.
*Bắc Kạn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban sông Cầu nhiệm kỳ 2011 – 2012. 

*Các tỉnh vẫn chưa ban hành được kế hoạch cụ thể trong việc triển khai Đề án. 

*Cần một cơ chế giám sát, phản biện lẫn nhau giữa các địa phương trên lưu vực sông. 

 Ngày 24/12/2010, tại TP.Thái Nguyên, đã diễn ra lễ Phiên họp lần thứ sáu Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên; Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban sông Cầu Phạm Xuân Đương; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến chủ trì phiên họp. Cùng dự có Thứ trưởng Trần Hồng Hà. 

Theo ông Phạm Xuân Đương, Chủ tịch Ủy ban sông Cầu, phiên họp lần này nhằm Tổng kết hoạt động Ủy ban sông Cầu nhiệm kỳ lần thứ nhất  (2007 – 2010) và chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban sông Cầu nhiệm kỳ 2011 – 2012.  

Theo Báo cáo tổng kết và đánh giá các hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu nhiệm kỳ lần thứ nhất, qua các kết quả quan trắc, đến nay mặc dù tình trạng ô nhiễm có phần giảm, song mặt nước tại vùng trung du và hạ lưu của lưu vực sông Cầu vẫn đang bị ô nhiễm bởi một số chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng và cục bộ ô nhiễm dầu mỡ (có nơi đang khá trầm trọng). Việc xử lý các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng môi trường cả 6 tỉnh trên lưu vực sông Cầu đều chưa hoàn thành (cá biệt như Hải Dương mới đạt gần 19%). Trong giai đoạn 2007 – 2010, đã có 5 Hội nghị của Ủy ban được tổ chức. Tuy nhiên, Đề án sông Cầu chủ yếu vẫn chỉ được các địa phương thực hiện thông qua lồng ghép vào các hoạt động bảo vệ môi trường của các Sở, ngành. Đến nay, các tỉnh vẫn chưa ban hành được kế hoạch cụ thể trong việc triển khai Đề án. Vì thế, việc thực hiện kết luận tại các Hội nghị chưa triệt để, còn nhiều khó khăn cần giải quyết như: Vấn đề về năng lực của các cơ quan bảo vệ môi trường tại các tỉnh trên lưu vực sông chưa đáp ứng yêu cầu thực tiến về sự gia tăng ô nhiễm; nguồn lực đầu tư cho công tác này hạn chế; các thành viên thuộc Ủy ban đều là kiêm nhiệm; sự phối hợp giữa các Bộ ngành và địa phương chưa đồng bộ…

Để khắc phục những khó khăn trên, thúc đẩy tiến độ thực hiện Đề án, các đại biẻu dự phiên họp đã đưa ra hàng loạt giải pháp về cơ cấu tổ chức, hoạt động của Ủy ban; về nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính; về công tác quản lý, quan trắc, thu thập dữ liệu; công tác tuyên truyền… Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất, cần nâng cao vai trò của cơ quan chuyên ngành là Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Ủy ban. Có ý kiến cho rằng, nên chăng Bộ Tài nguyên và Môi trường cử một Thứ trưởng chuyên trách đảm nhiệm cương vị Chủ tịch. Có như vậy, việc xử lý các vấn đề nảy sinh mới hiệu quả và tập trung, bảo đảm tính khách quan và triệt để.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đặc biệt nhấn mạnh, thời gian tới, cần xây dựng một cơ chế giám sát, phản biện lẫn nhau giữa các địa phương trên lưu vực sông. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đối với đông đảo người dân…

Sau phiên họp Tổng kết hoạt động Ủy ban sông Cầu nhiệm kỳ lần thứ nhất  (2007 – 2010) là Lễ chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban sông Cầu nhiệm kỳ 2011 – 2012. Theo đó, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch ủy Ban sông Cầu Phạm Xuân Đương đã bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch cho ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. 

 

 

tt127

Toàn cảnh Hội nghị

 

 

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)