Phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất

(TN&MT) – Ngày 26/10, tại Hà Nội, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) phối hợp với Trường Đại học Mỏ – Địa chất và Viện Khoa học địa chất và tài nguyên Liên Bang Đức (BGR) tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất”. Hội thảo được tổ chức nhân dịp 50 năm ngành địa chất thủy văn Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Từ bao đời nay ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, nước dưới đất luôn là tài nguyên quý giá, là nguồn cung cấp nước thiết yếu cho dân sinh và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng thiếu khoa học quá mức đã gây cạn kiệt và có những tác động tiêu cực như tình trạng hạ thấp mực nước, sụt lún nền đất, tình trạng nhiễm bẩn, nhiễm mặn… đe dọa an ninh nguồn nước và phát triển bền vững quốc gia và khu vực.

images2041177_anh_1

Trước những thách thức to lớn đó, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đang ngày càng quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước dưới đất nói riêng. Đồng bộ giải pháp chiến lược được thực hiện như: Hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường kiểm tra thực thi; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước; lập và triển khai quy hoạch tài nguyên nước nói chung cho cả nước, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông lớn, liên tỉnh và quy hoạch tài nguyên nước của từng địa phương; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả.

Báo cáo về Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại Việt nam” (IGPVN) (2015-2017), TS. Vũ Thanh Tâm – Trưởng Ban khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế của NAWAPI cho biết: Từ năm 2009, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được giao phối hợp với Viện BGR thực hiện dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật đến nay thực hiện trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: từ năm 2009 đến 2012, giai đoạn 2: từ năm 2012 đến 2014. Ở các giai đoạn này, Dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và bàn giao kết quả các sản phẩm cho các tỉnh trong vùng dự án, gồm các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Hà Nội, Quảng Ngãi. Trong giai đoạn 3: từ năm 2015 đến năm 2017 Dự án được thực hiện ở tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau đến nay về cơ bản đã được hoàn thành và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

images2041182_anh2

Những kết quả nổi bật là trang bị phương tiện đi lại và một số trang thiết bị phục vụ các hạng mục công việc của dự án và các công việc chuyên môn của Trung tâm và các tỉnh của dự án; tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Trung tâm và nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa phương; hỗ trợ cán bộ Trung tâm soạn thảo 2 Hướng dẫn Kỹ thuật về Kỹ thuật Bảo vệ nước dưới đất đô thị và Điều tra đánh giá nước dưới đất đô thị; hỗ trợ tổ chức và tham gia một số hoạt động trong khuôn khổ các buổi lễ kỷ niệm ngày nước thế giới tổ chức ở Việt Nam; xây dựng, phục hồi nâng cấp mạng lưới quan trắc tự động nước dưới đất để làm công cụ hỗ trợ quản lý, giám sát tài nguyên nước dưới đất ở Sóc Trăng; xây dựng báo cáo tổng hợp đánh giá tài nguyên nước dưới đất, trong đó đề xuất các khuyến nghị và giải pháp cho công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất ở Sóc Trăng…

TS. Vũ Thanh Tâm đã chỉ ra một số tác động tiêu cực do hoạt động khai thác nước ngầm, đó là, hạ thấp mực nước ngầm ở phạm vi vùng; sụt lún đất, đặc biệt tại các khu đô thị; nước ngầm vùng duyên hải bị nhiễm mặn do sự xâm nhập của nước biển; ô nhiễm nước ngầm do các nguồn nước mặt ô nhiễm thẩm thấu xuống. “Đây chính là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt do sự thiếu kiểm soát hoạt động khai thác và sử dụng nước dưới đất” – TS. Vũ Thanh Tâm nhấn mạnh.

images2041188_anh5

Trước thực tế mực nước biển hằng năm gia tăng, dẫn đến tình trạng nguồn nước bị xâm nhập mặn, nguồn nước bị ô nhiễm do sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón…, TS. Roland Baeumle – chuyên gia địa chất thủy văn thuộc Viện Khoa học địa chất và tài nguyên Liên Bang Đức cho biết: Viện BGR đã phối hợp với NAWAPI triển khai dự án IGPVN ở Việt Nam để cùng nhau chia sẻ và nhìn lại những thành tựu đạt được, từ đó có định hướng giải pháp chiến lược bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất trong tương lai.

TS. Roland Baeumle cho rằng, bảo vệ nước dưới đất để ngăn chặn ô nhiễm nước quá mức là việc chúng ta có thể làm được nếu có cơ chế quản lý tốt hơn; chúng ta phải có giải pháp thay thế để phát triển bền vững; tập trung nâng cao sự hiểu biết về tình trạng nhiễm mặn nước dưới đất.

images2041185_anh3

“Các vấn đề về nước đã tồn tại nhiều năm nay và chúng ta sẽ thực hiện các vấn đề này để có sự hiểu biết chung rằng nước dưới đất không chỉ phục vụ mục đích sinh hoạt” – TS. Roland Baeumle nhấn mạnh.

images2041186_anh4

PGS TS. Nguyễn Văn Lâm, Đại học Mỏ – Địa chất đã đề xuất giải pháp để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước ngầm, đó là, cần xây dựng nguồn phổ cập nước dưới đất đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL; bổ sung nhân tạo nước dưới đất; xử lý nước thải tuần hoàn, tái sử dụng tiết kiệm nguồn nước.

(Theo baotainguyenmoitruong.vn)