“Ốc đảo” vùng biên giới Tây Ninh

Phước Mỹ của xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (thường gọi là vùng A8) là một ấp vùng sâu nằm sát biên giới với nước bạn Campuchia, chỉ có một con đường đất đỏ duy nhất vốn rất khó đi. Nơi đây được xem như một “ốc đảo” giữa vùng biên giới đất liền. Hiện vùng đất này dẫu đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn hai khó khăn lớn, đó là thiếu nước sạch và hơn một nửa hộ dân ở đây chưa có điện thắp sáng.

Dọc theo con đường đất đỏ gồ ghề, bụi mù mịt, xuyên qua những cánh đồng chuyên canh cây lúa đang vào mùa gieo sạ, chúng tôi đến được vùng A8. Ấn tượng đầu tiên chính là sự thanh bình đến hoang sơ của vùng quê nghèo này. Dừng lại tại điểm trường Phước Mỹ (thuộc trường Tiểu học Hưng Mỹ), chúng tôi gặp vị trưởng ấp và các thầy giáo của điểm trường này. Sau lời chào hỏi, là lời trần tình “ở đây còn nhiều khó khăn lắm các chú ơi” của những người đã gắn bó lâu năm ở đây.
Lùi về quá khứ, ấp này hết sức khó khăn, cuộc sống người dân vất vả đủ bề gần như biệt lập với bên ngoài, mọi thứ đều thiếu thốn. “Vài năm nay, nhờ có con đường đất đỏ được nhà nước làm mà người dân ở đây có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với bên ngoài. Trước đây, các chú muốn vào đây thì phải đi bằng ghe hoặc đi vòng qua biên giới Campuchia”, ông Hồ Văn Bưu, Trưởng ấp Phước Mỹ cho biết. Theo những hộ dân ở đây, khi con đường chưa mở, mỗi lần có việc cần đến UBND xã bà con phải đi, về mất cả ngày, dù khoảng cách chưa tới 10km. Bây giờ không còn phải băng đồng lội ruộng bằng đôi chân vào mùa nắng, hay phải chèo chống ghe xuồng vào mùa nước nổi mỗi khi cần đi đó đi đây.
Ở vùng A8 này, người dân chỉ làm nông để kiếm sống. Do địa hình nơi đây thường xuyên ngập nước, xung quanh là các vùng đầm lầy, đất trũng, nên họ cũng chỉ có thể làm lúa. Trưởng ấp Hồ Văn Bưu cho biết: Ấp Phước Mỹ có 62 hộ, với hơn 319 nhân khẩu sống phân tán. Gần như 100% hộ dân ở đây làm nghề nông và chỉ độc canh cây lúa. Khó khăn nhất là địa bàn ở đây rất rộng, dân ít. Dù là vùng được xem là có điện lưới về tới ấp, nhưng toàn ấp có 3 tổ, thì chỉ tổ 2 là có điện. Khoảng 35 hộ dân ở tổ 1 và tổ 3 chưa có điện để dùng. Trong khi nguồn nước cho sinh hoạt ở đây không có. Các hộ phải hứng nước mưa để dùng. Chúng tôi thường xuyên dùng nước không hợp vệ sinh, lấy từ nước ao, từ con kênh vào để dùng.
Bà Võ Thị Nam, người gắn bó với vùng A8 từ sau ngày giải phóng cho biết: “Từ ngày trước đến nay, mùa mưa thì chúng tôi đem lu ra hứng nước, trữ lại để ăn uống, nếu hết thì bơm nước ở ao sau nhà vào dùng. Những khi trời nắng, hết nước tích trữ thì đành phải bơm nước ngoài kênh vào để sử dụng”. Dạo quanh nhiều nhà dân ở tổ 2 (còn gọi là A82), là khu “có điều kiện” nhất của ấp, chúng tôi thấy mỗi nhà chỉ có khoảng chục lu nước trước hiên nhà và cái ao ở phía sau để mấy hộ dùng chung.
Nguồn nước được bơm vào các ao phía sau nhà lại là từ con kênh nằm ven cánh đồng của ấp. Nhìn con kênh nước đục ngầu, cỏ rác nổi lênh bênh, những đàn vịt đang bơi tìm mồi… khiến chúng tôi không khỏi “rùng mình” vì nguồn nước này được dùng cho cả xóm sinh hoạt, thậm chí ăn uống khi nước mưa đã cạn. Không chỉ vậy, do con kênh nằm ven cánh đồng, nên không biết bao nhiêu hóa chất của thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng cho ruộng lúa bị trôi rửa xuống. Bà Nam than: “Biết là nó ô nhiễm như vậy, nhưng không dùng thì biết lấy đâu ra nguồn nước khác. Chúng tôi cứ bơm trực tiếp nước từ kênh vào, để vài ngày cho lắng lại, rồi bơm lên để dùng thôi. Riết rồi cũng quen”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Lập, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ phân trần: “Nước sạch thì mới được quan tâm phân bổ kinh phí để đầu tư một giếng nước khoan sâu khoảng 260m, đặt tại “trung tâm” của ấp. Dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Như vậy về nước sạch cho dân cơ bản là sẽ được giải quyết”. Đây là một niềm vui dịp xuân về cho bà con ấp Phước Mỹ, vùng đất đã bao nhiêu năm thiếu thốn đủ bề do địa thế “ốc đảo” của mình. Những đứa trẻ sẽ có nước sách để dùng, để uống. Thế nhưng không phải niềm vui đó đến được với mọi nhà. Do đây là vùng đất rộng, người thưa. Cuộc sống người dân phân tán, nên việc đưa nước về đến từng nhà lại là vấn đề rất khó khăn. Theo ông Hồ Văn Bưu: “Khả năng nước sạch chỉ có ở tổ 2 này thôi, còn tổ 1 và tổ 3 chưa thể đến được trong nay mai”.
Ông Nguyễn Thành Lập cho rằng: Dân không tập trung, đầu tư về kết cấu hạ tầng rất khó. Do vậy, giải pháp cho thời gian tới là ấp cần được bố trí lại theo cụm dân cư biên giới thì sẽ dễ đầu tư, ít tốn kém hơn. Sau khi cụm dân cư được hình thành UNBD xã mở những đường ống ra từng hộ dân, cũng như điện sẽ tới được từng nhà. Như bây giờ, với chỉ hơn 300 nhân khẩu mà lại phân tán ở diện tích 424 ha, thì việc đầu tư tới từng hộ thì quá tốn kém.
Đời sống của bà con ở “ốc đảo” Phước Mỹ hiện đang từng bước được nâng cao về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng so với những vùng khác, vùng A8 này vẫn còn nhiều khó khăn. Dù điện đã tới, nước sắp về với vùng A8 nhưng cũng chỉ phân nửa hộ dân ở đây được hưởng trọn niềm vui đó.
 

 

 (Theo Monre.gov.vn)