Nước sinh hoạt Đồng bằng Sông Hồng nhiễm nặng hóa chất

Được giới khoa học cảnh báo từ lâu nhưng nguồn nước sinh hoạt ở vùng đồng bằng sông Hồng đến nay vẫn bị ô nhiễm nặng, đe dọa sức khỏe khoảng 7 triệu dân.

Thống kê của các nhà khoa học Thụy Sĩ cho thấy, có đến 65% số giếng nước ở khu vực này chứa hàm lượng asen (thạch tín), mangan, selen và bari ở mức không an toàn, trong đó 27% mẫu có hàm lượng thạch tín cao gấp 5 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và 44% mẫu có hàm lượng mangan ở mức nguy hiểm cho sức khỏe. Mức độ ô nhiễm này tương đương với khu vực Băng-la-đet, nơi được coi là bị nhiễm thạch tín tồi tệ nhất trên thế giới. 

Theo nhóm nghiên cứu, Đồng bằng sông Hồng là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông nhất thế giới, khoảng 1.160 người/km2. Trong 16,6 triệu người sống ở khu vực này thì có đến 11 triệu người không được sử dụng nước máy mà phải sử dụng những nguồn nước khác như giếng nước của gia đình. 

Các nhà khoa học Thụy sĩ cho rằng, Việt Nam nên tìm nguồn nước thay thế hoặc lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật xử lý nước tốt hơn để đảm bảo nguồn nước an toàn cho người dân.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)