Ninh Bình là tỉnh có mạng lưới sông ngòi dày, là nguồn cung cấp nước chủ yếu phục vụ cho đời sống nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội. Theo đánh giá, chất lượng nước mặt tự nhiên các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện chưa bị ô nhiễm, đảm bảo tiêu chuẩn dùng cho nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp.
Tuy nhiên, ở một số thị trấn và các làng nghề, chất lượng nước đang có chiều hướng gia tăng các chất gây ô nhiễm như phẩm nhuộm, các hợp chất chứa lưu huỳnh trong công đoạn tẩy trắng, sấy nguyên liệu ở các làng thủ công chiếu cói như Kim Sơn, Yên Khánh… Hầu hết nước thải sinh hoạt của các thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ chưa được tập trung xử lý mà đều xả thẳng ra các sông, ngòi, gây ô nhiễm nguồn nước cục bộ nghiêm trọng. Các đợt mưa lũ hàng năm xảy ra trên địa bàn cũng đã làm cho chất lượng nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng ô nhiễm. Một số đợt khảo sát, phân tích nước mặt, nước ngầm thuộc các lưu vực sông của tỉnh được biết ngoài bị ô nhiễm bởi các yếu tố hoá học còn bị nhiễm bẩn cơ học, nhiễm bẩn hữu cơ, dầu mỡ, nhiễm bẩn vi khuẩn gây bệnh.
Trước thực trạng đó, thực hiện bảo vệ tài nguyên nước, các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều hành động thiết thực như tuyên truyền nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của nước sạch và vệ sinh môi trường đối với con người và cộng đồng; tập trung giải quyết những khu vực ô nhiễm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kênh mương, đê điều, bể chứa nước, các công trình vệ sinh hợp lý, đóng phí môi trường…
Về phía ngành chức năng, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường còn tích cực tuyên truyền, phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương truyền thông nâng cao kiến thức về bảo vệ tài nguyên nước; đồng thời tích cực kiểm tra, cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước của các đơn vị trong tỉnh.
Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường kiểm tra tại 73 đơn vị, tổ chức hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước trên địa bàn. Trong 73 đơn vị, có 47 công trình khai thác cấp nước sinh hoạt tập trung; 12 doanh nghiệp khai thác sử dụng nước ngầm; 3 doanh nghiệp khai thác sử dụng nước mặt; 11 doanh nghiệp có công trình xả nước thải vào nguồn nước. Qua kiểm tra cho thấy, các công trình hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả thải vào nguồn nước trên địa bàn chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, nhiều chủ công trình thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào sử dụng và trước khi thải ra môi trường.
Hiện tại, các công trình khai thác, sử dụng nước mặt trong quá trình hoạt động không gây ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đê, sạt lở đất bên các bờ sông và hệ thống kênh mương tưới tiêu trong khu vực, không cản trở lưu thông dòng chảy và chế độ dòng chảy của nguồn nước khai thác. Các công trình khai thác nước dưới đất chưa gây ra những tác động xấu làm ảnh hưởng đến tầng nước chứa, môi trường và chất lượng nước khu vực. Các đơn vị có công trình xả nước thải vào nguồn nước thực hiện đúng quy trình, quy phạm an toàn lao động, vệ sinh môi trường phù hợp với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, thông số và nồng độ chất ô nhiễm có trong nước thải sau khi xử lý đều đạt yêu cầu theo quy chuẩn hiện hành.
Tuy nhiên, còn có những tồn tại cần ngành chức năng, các cấp, đơn vị liên quan quan tâm, bắt tay để cùng giải quyết đó là các công trình hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, nước ngầm trên địa bàn được xây dựng tràn lan, không có quy hoạch; đặc biệt có đến trên 90% các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã được xây dựng, đang hoạt động khai thác, sử dụng nước nhưng chưa có giấy phép theo quy định.
Nhiều đơn vị khai thác, sử dụng và xả nước thải vào nguồn nước nhưng chưa thực hiện lắp đặt thiết bị theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến lưu lượng, mực nước, chất lượng nguồn nước khai thác, chế độ quan trắc; chưa có biện pháp để phòng ngừa, phát hiện để xử lý kịp thời các hiện tượng, sự cố bất thường do hoạt động khai thác, xả nước thải của mình gây ra; không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả hoạt động định kỳ hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước.
Ninh Bình vừa là một trong 7 tỉnh trong toàn quốc được đại diện Chính phủ Vương quốc Bỉ ký hiệp định hợp tác hỗ trợ quản lý tài nguyên nước. Đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển và thực hiện công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá hiện nay. Dự án nhằm nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước, hướng tới mục tiêu cải thiện việc quy hoạch chiến lược tài nguyên nước, đánh giá toàn diện về nước ngầm và nước mặt; bảo vệ các nguồn tài nguyên nước; nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý tài nguyên nước, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, khu vực, toàn quốc bền vững. Dự án là một tín hiệu khả quan, hy vọng sẽ mang lại những chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn và tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong ý thức của đại bộ phận nhân dân về việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước vô giá vì chính cuộc sống của chúng ta.
(Theo Thanh Thủy – baoninhbinh.org.vn)