Nhu cầu điện gia tăng đang gây sức ép lên nguồn nước

Nguồn cung về  nước đang trở thành một mối lo ngại lớn trên toàn cầu, nhất là khi nước đóng vai trò quan trọng trong sản xuất điện năng. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ tăng gấp đôi lên mức tương đương với 6,325 tỷ tấn dầu mỏ hay 74.000 tỷ KWh điện vào năm 2030. Khi đó, tính chung Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới, được dự báo sẽ thiếu khoảng 1.000 tỷ m3 nước. Bangladesh, Campuchia, Nepal, Pakistan, Philíppines và Việt Nam hiện đang thiếu nước ở mức vừa phải.

Việc dùng nước trong sản xuất điện cũng như làm mát các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân đang khiến nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu thụ ở các đô thị bị ảnh hưởng. Ngược lại, nhu cầu nước cho lĩnh vực nông nghiệp có thể cũng ảnh hưởng đến nguồn cung điện. Năm 2008, 2,2 tỷ m3 nước từ ba nhà máy thủy điện lớn ở Việt Nam đã được chuyển sang cho sản xuất nông nghiệp, gây thiếu hụt 430 triệu KWh điện.

Tại Hội thảo quốc tế về nước tại Singapore tháng 7 vừa qua, các nhà sản xuất và các quan chức Chính phủ đã kêu gọi việc lồng ghép tốt hơn chính sách nước và năng lượng. Những nghiên cứu về các công nghệ xử lý nước tiêu tốn ít năng lượng cũng như các nhà máy điện cần ít nước đã liên tục được tiến hành. Các Công ty như Siemens Water Technologies hiện đang nghiên cứu việc sử dụng năng lượng Mặt Trời trong quy trình lọc nước biển vốn tiêu thụ lượng điện lớn.

 (Theo Monre.gov.vn)