Chiều 12/5, tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì Hội nghị toàn thể đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2015 – 2016 và thống nhất phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2017 – 2018 của Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn vừa qua được sự quan tâm chỉ đạo sát sao và chặt chẽ của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò chủ đạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao. Hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề liên quan trong hợp tác Mê Công, đặc biệt các vấn đề liên quan đến phát triển thủy điện dòng chính sông Mê Công. Ủy ban thực hiện tốt đồng thời các nhiệm vụ trong nước và các nhiệm vụ hợp tác quốc tế thông qua Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các cơ chế hợp tác vùng, tiểu vùng; chú trọng phát triển tốt các hợp tác song phương với các quốc gia thành viên thông qua kênh hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các kênh hợp tác song phương của Chính phủ. Hoạt động của Ủy ban cũng đã chuyển hướng sang thành một cơ quan chuyên sâu về hỗ trợ kỹ thuật trên cơ sở khoa học vững chắc và thuyết phục khi đưa ra các đề xuất tham mưu cho Chính phủ về các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, Văn phòng Thường trực Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn về lực lượng và các nguồn lực cần thiết để có thể thực hiện các nhiệm vụ chính trị ngày càng nhiều và ngày càng nặng nề hơn. Hiệu quả tham gia của các bộ, ngành và các địa phương trong hoạt động của Ủy ban chưa cao, một phần do tính chất kiêm nhiệm của các ủy viên, một phần do công tác trao đổi và cung cấp thông tin tới các thành viên chưa được đầy đủ và thường xuyên. Do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hợp tác Mê Công của các bộ, ngành, địa phương và người dân trong lưu vực về tình hình phát triển và nguy cơ, thách thức trong lưu vực chưa được thực hiện thường xuyên, nên hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành trong hợp tác Mê Công còn hạn chế.
Phương hướng nhiệm vụ của Ủy ban trong thời gian tới xoay quanh 4 trọng tâm: thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao; nhiệm vụ trong khuôn khổ Bộ Tài nguyên và Môi trường; hợp tác trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các cơ chế hợp tác quốc tế khác; tăng cường hiệu quả hoạt động của Văn phòng Thường trực.
Cùng với các ý kiến góp ý khắc phục những hạn chế, bất cập tồn tại trong thời gian qua, các thành viên đã có nhiều đề xuất Ủy ban bổ sung, tăng cường các hoạt động liên quan đến việc nghiên cứu tác động từ việc khai thác tài nguyên nước xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Công để thực hiện các biện pháp can thiệp, giảm thiểu tác động đồng thời có giải pháp ứng phó thiệt hại cho vùng ĐBSCL.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thành viên Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, cho rằng sắp tới hoạt động của Ủy ban cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của tình hình phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Do vậy, Ủy ban cần tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ về nguồn lực của các tổ chức quốc tế để ứng phó thông qua các nghiên cứu khoa học để có biện pháp khắc phục hiệu quả, tiết kiệm nhất vì khắc phục những sự cố này rất tốn kém, trước mắt cần ưu tiên ứng phó với tình trạng sạt lở. Ủy ban cũng cần lưu ý tăng cường hệ thống quan trắc thủy văn trên sông Mê Công ở khu vực biên giới Campuchia – Việt Nam để có thông tin, ứng phó kịp thời.
“Cần bổ sung vào kế hoạch hoạt động tới thực hiện một chương trình nghiên cứu về ứng phó với tác động từ đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cho ĐBSCL, cũng như nghiên cứu về nguồn nước để đảm bảo sản xuất, phát triển bền vững” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên, đề xuất. Đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng việc xây dựng một kịch bản ứng phó với tác động của chuỗi đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cho ĐBSCL là hết sức cần thiết.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nêu rõ cần phải xây dựng chương trình hoạt động của Ủy ban đến năm 2020 cũng như đề ra các giải pháp ứng phó về các tác động kép biến đổi khí hậu và thủy điện trên dòng chính sông Mê Công là một trong hai trọng tâm chiến lược.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam chỉ đạo Văn phòng Ủy ban điều chỉnh Quy chế hoạt động của Ủy ban, chuẩn bị văn bản đề nghị các địa phương phân công nhân sự tham gia thành viên Ủy ban và bộ phận giúp việc tại địa phương phù hợp, ổn định; duy trì định kỳ họp Ủy ban 2 lần/năm; cập nhật thông tin và thực hiện tốt cơ chế thông tin cho các thành viên thường xuyên; xây dựng một chương trình đến 2020 về vấn đề sông Mê Công và bổ sung các nhiệm vụ cụ thể trên các vấn đề, lĩnh vực liên quan đến vấn đề sông Mê Công để phát huy vai trò trong việc tham gia đóng góp ý kiến, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trên cơ sở pháp lý, khoa học, chính sách ngoại giao, hợp tác… có hiệu quả cao.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam đã nhấn mạnh việc phải đưa vào kế hoạch, đánh giá các công trình, dự án có tác động đến dòng sông Mê Công, các hiện tượng có liên quan đến tác động thủy điện… có đề xuất Chính phủ để có thể xây dựng kịch bản ứng phó, điều chỉnh phù hợp với tình hình các tác động từ thủy điện sông Mê Công.
(Theo monre.gov.vn)