
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, khi quy hoạch hoặc phê duyệt xây dựng các khu đô thị, cơ quan chức năng đều đã tính đến phương án xử lý nước thải, tuy nhiên việc theo dõi quá trình này còn hình thức. Ở khu đô thị Mỹ Đình, tuy cũng có trạm xử lý nhưng hoạt động kém hiệu quả. Nhiều chủ đầu tư đã lờ đi việc xây trạm xử lý nước thải mà thay vào đó là bãi đỗ xe hay một công trình thương mại.
“Lượng dân sống trong đô thị mới sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới dẫn đến lượng chất thải, nước thải tại đây cũng tăng nhanh. Nhiều chủ đầu tư thà chấp nhận nộp phạt hơn là đầu tư xây trạm xử lý chất thải”- đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường nói.
Trạm xử lý nước thải cục bộ tại các khu đô thị chưa thấy đâu, trong khi nhiều dự án thu gom nước thải quy mô lớn của thành phố vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngay cả khi các nhà máy xử lý nước thải lớn đi vào hoạt động, nếu các khu đô thị vẫn cứ xả thẳng ra sông thì ô nhiễm vẫn rất nhức nhối.
“Cần sớm xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng dẫn đến các nhà máy. Lúc đó sông Tô Lịch, Kim Ngưu chỉ làm nhiệm vụ tiêu thoát nước mưa và một phần nước thải thì mới giảm được ô nhiễm”- đại diện Sở Xây dựng nói.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, nhiều quy định về khu đô thị còn lỏng lẻo, xa rời thực tế. Ví dụ như quy định những khu nhà có tầng hầm cao 10 m trở lên mới phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thực tế quy định này không phản ánh được số lượng dân cư, chất thải cần quản lý nhiều hay ít.
“Có nhiều khu chung cư mới với hàng vạn người sinh sống nhưng làm gì có tầng hầm? Quy định như vậy đã khiến nhiều chủ đầu tư thản nhiên né luật”- một chuyên gia nói.