Một trong những khó khăn nhất đối công tác bảo vệ môi trường hiện nay là việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng ra khỏi khu vực đông dân cư.
Thực tế đó đòi hỏi ngành Tài nguyên và môi trường phải nỗ lực hơn nữa trong việc huy động nguồn lực, công nghệ cho công tác khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nét nổi bật trong năm 2010 là lần đầu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra toàn diện trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường của 46 tỉnh, thành phố có khu công nghiệp hoạt động; kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở không hoàn thành việc khắc phục mà vẫn tiếp tục gây ô nhiễm. Đáng chú ý là sự vào cuộc xử lý những vụ gây ô nhiễm lớn như vụ Công ty Vedan xả nước thải, vụ tồn đọng hàng trăm nghìn tấn hạt Nix của Nhà máy sữa chữa tàu biển Huyndai – Vinashin Khánh Hoà, khắc phục sự cố rò rỉ xăng dầu tại Tổng kho xăng dầu Vũng Rô, Phú Yên…
Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp và làng nghề gây ô nhiễm môi trường rất khó khăn, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu vực đông dân cư lại càng khó khăn hơn.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức nói: “Để các cơ sở di chuyển ra khỏi khu vực đông dân cư thì chúng ta phải hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng hợp lý nguồn đất. Nguồn kinh phí và lợi ích để đảm bảo cho sản xuất sẽ từng bước giải quyết để di dời dứt điểm”.
Nếu như năm 2009 còn tồn tại nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì năm 2010, việc giải phóng mặt bằng của một số dự án lớn đã được Bộ kịp thời tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất như Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, Thuỷ điện Sơn La…
Hiện nay, diện tích đất của tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên 344.300 ha. Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý và sử dụng chưa chặt chẽ, dẫn đến bị các đối tượng khác lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích. Qua thanh tra tại Hà Nội và TP HCM, Bộ đã kiến nghị thu hồi 4,36 ha đất vi phạm pháp luật với trị giá gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này cho thấy, diện tích đất phát hiện có sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn quá ít ỏi.
Ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng cho rằng: “Hiện có nhiều cơ chế, chính sách trong khi việc thu hồi đất lại phải xem xét ở nhiều góc độ để xác định rõ hình thức vi phạm. Trình tự, thủ tục giao đất và cho thuê đất đối với hộ gia đình và cá nhân cũng là vấn đề cần làm rõ. Hiện nay, chúng tôi cũng phải xử lý vấn đề các quận, huyện sử dụng quyền của Chủ tịch UBND để giao cho thuê đất đối với hộ gia đình và cá nhân. Sau một thời gian, họ chuyển hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường vì việc thành lập doanh nghiệp chỉ trong 3 đến 7 ngày. Như vậy, từ hộ gia đình, họ thành lập thành tổ chức. Lúc đó thì việc giải quyết chuyển đổi ấy lại thuộc quyền của Sở”.
Một thực tế khác tồn tại trong nhiều năm qua và trong năm 2010 vẫn chưa được khắc phục, đó là chúng ta vẫn chủ yếu xuất khẩu khoáng sản thô, gây lãng phí lớn. Hoạt động khai thác chưa đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chưa khuyến khích khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Các dạng thuế và phí về tài nguyên môi trường ở nước ta chủ yếu mới đạt được mục tiêu là tăng thu ngân sách mà chưa góp phần điều chỉnh hành vi khai thác tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường. Vì vậy, thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường theo hướng này, hạn chế, tiến tới dừng hẳn việc xuất khẩu khoáng sản thô.
Ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng: “Chúng ta cần đẩy mạnh kinh tế hoá ngành Tài nguyên và Môi trường để tất cả những dạng tài nguyên, thành phần môi trường đều phải có giá, thu được để phục vụ cho phát triển kinh tế, trên nguyên tắc là người gây ô nhiễm thì phải trả tiền, người hưởng lợi từ tài nguyên môi trường thì phải chi trả. Chủ trương hạn chế xuất khẩu thô là rất đúng, chúng ta nên dùng cơ chế như tăng thuế xuất khẩu, đầu tư để chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm khác”.
Với việc đấu giá quyền thăm dò và khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản vừa được thông qua tại kì họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, Nhà nước sẽ có quyền lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để khai thác an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Luật mới cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có tài nguyên trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và các công trình phúc lợi; kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Năm 2011, ngành Tài nguyên và môi trường tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; kiểm soát việc khai thác, sử dụng nước, xả nước thải gây ô nhiễm; tiếp tục thực hiện chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020… Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường nhằm quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững./.
(Theo vovnews)