Nâng cao vai trò quản lý tài nguyên và môi trường ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Ngày 6/10, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã diễn ra Hội nghị tập huấn quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, dành cho lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường 32 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh: Ngành Tài nguyên và Môi trường được hình thành trên cơ sở hợp nhất nhiều lĩnh vực quản lý. Hiện ngành đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 7 lĩnh vực, bao gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu; đo đạc, bản đồ; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Đây là những khu vực có tính phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Hội nghị tập trung nghiên cứu các nội dung như giới thiệu, cập nhật các văn bản hoặc các điểm sửa đổi tại các văn bản liên quan tới các lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cũng như tình hình quốc tế, khu vực và trong nước về công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Trong đó có các nội dung đáng chú ý như “Quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo”, “Quản lý nhà nước về tài nguyên nước”, về “khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu”, “Quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ”, về địa chất và khoáng sản, hoặc về mô trường… Giới thiệu nội dung các văn bản và các định hướng, chủ trương chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các lĩnh vực như: Tổ chức cán bộ, thanh tra, kế hoạch và kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường.

Để nâng cao vai trò quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, thời gian tới, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đó là quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; với mục tiêu xây dựng ngành tài nguyên và môi trường trở thành một ngành kinh tế – kỹ thuật chính quy, hiện đại, vững bước trên con đường hội nhập với khu vực và thế giới.

Chú trọng xây dựng hệ thống quản lý về tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từng bước chuyên nghiệp hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá; tiếp cận được với trình độ khu vực và thế giới. Đồng thời, cần có sự phối hợp rộng rãi và có hiệu quả giữa ngành tài nguyên và môi trường với các nhành khác; nhằm mục đích huy động tối đa và đa dạng hoá các nguồn lực của xã hội tham gia giải quyết tốt các vấn đề tài nguyên và môi trường…

 
 

(Theo TTXVN)