Miền Trung khô hạn vì thủy điện… nắn dòng

vv121Vùng hạ du sông Vu Gia – ken đặc thủy điện của tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với tình trạng khô hạn trầm trọng. Hơn 2 triệu người cùng hàng ngàn héc-ta lúa, hoa màu đã thực sự “ngấm đòn” nắn dòng mùa khô của các nhà máy thủy điện.

Đây là hậu quả của việc Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 đã chặn nước của sông Vu Gia đem đổ về sông Thu Bồn để tận dụng độ dốc cho việc chạy máy phát điện. Mặc dù, trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo Thủy điện Đắk Mi 4 phải có giải pháp để điều tiết nước nhằm chống hạn cho vùng hạ lưu của sông Vu Gia. Tuy nhiên cho đến nay, hầu như các giải pháp đó chưa phát huy hiệu quả. Cuộc chiến đòi nước giữa vùng hạ du sông Vu Gia (Đà Nẵng và các huyện Điện Bàn, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam) với Thủy điện Đắk Mi 4 đã diễn ra nhiều năm nay. Nhưng, với 25m3/s (tính theo lưu lượng trên giấy tờ) mà Đắk Mi 4 xả về trong mùa suy kiệt, trong khi nhu cầu thực của hạ du Vu Gia phải là 80m3/s, thì chưa thấm vào đâu.

Theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hơn 3.000 ha lúa ở vùng hạ lưu sông Vu Gia đang đứng trước nguy cơ thiếu nước. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài những ngày qua ở miền Trung khiến mực nước các sông xuống thấp. “Những năm trước, tình trạng hạn hán có xảy ra. Tuy nhiên, do nhiều nhà máy thủy điện chưa tích nước và không nắn dòng nên còn đỡ, năm nay và những mùa tiếp theo sẽ nguy cơ to”, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết.

Thời điểm cuối tháng 6 này, các nhánh sông của Vu Gia – Thu Bồn đổ về hạ du đang bước vào tình trạng suy kiệt nặng, đẩy độ ngập mặn sâu hơn vào cửa sông. Theo ông Trần Anh Tuấn – cán bộ trạm bơm Tứ Câu (huyện Điện Bàn, Quảng Nam): “Cả tháng nay nước ngọt đổ về quá ít khiến mặt sông Vu Gia nổi đầy váng phèn. Những trạm bơm ở đây gần như đã ngừng hoạt động do độ mặn của nước sông cao gấp hàng chục lần so với độ cho phép để trồng lúa. Một xô nước múc ở ngoài sông vào có nồng độ 3.9, cao hơn 10 lần so với nồng độ cho phép để đổ vào ruộng”.

Việc sông Vu Gia bị thiếu nước và xâm nhập mặn giờ đã là điều quá quen thuộc với người dân vùng hạ du (Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn và Đại Lộc của Quảng Nam). Hầu hết nông dân ở hạ nguồn con sông đã bỏ lúa để trồng sang các loại hoa màu có khả năng chịu mặn và chịu hạn tốt hơn như trồng ớt. Theo thống kê, hiện trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn có tới 43 dự án thủy điện thuộc tỉnh Quảng Nam. Mặc dù từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành liên hồ chứa của các công trình thủy điện tại đây, nhưng cho đến nay vẫn không có bất cứ quy định nào ràng buộc các thủy điện xả nước mùa khô.

 vv122

Trao đổi với báo giới, Sở Công Thương Quảng Nam, đơn vị trực tiếp quản lý các thủy điện cho rằng, họ không có chức năng quản lý lượng nước xả của các công trình thủy điện. Theo ông Võ Thí – Trưởng phòng Quản lý Điện năng Sở Công Thương Quảng Nam: Sở Công Thương không có đủ điều kiện để đo lưu lượng nước xả về vùng hạ luu, những đơn vị có liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên nước, phải có trách nhiệm quản lý trong nguồn thủy lợi này để đảm bảo việc xả nước theo quy định thông báo của Văn phòng Chính phủ là 25m3/s.

Qua tìm hiểu của báo Tài nguyên & Môi trường, lưu lượng bắt buộc 25m3/s mà ông Võ Thí – Trưởng phòng Quản lý Điện năng Sở Công Thương Quảng Nam nhắc tới ở đây là dựa trên thông báo của Văn phòng Chính phủ ra ngày 29/4/2010. Nhưng theo đại diện của Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4, thông báo này chỉ buộc họ phải xây dựng 1 cống điều tiết có khả năng xả 25m3/s về hạ lưu sông Vu Gia, chứ không bắt họ phải xả đúng lượng nước này. Chính điều này, mặc dù đến nay hạ lưu đang thiếu nước trầm trọng nhưng Thủy điện Đắk Mi 4 nhất quyết vẫn chỉ xả 18m3/s để tránh ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà máy.


Ông Đỗ Xuân Yến, Trưởng Ban Quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 cho rằng: “Cái mà mọi người đang hiểu từ trước tới giờ là Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 chống lệnh Thủ tướng Chính phủ là không xả 25m3/s về hạ du. Nhưng trong thiết kế cho phép có khả năng xả lưu lượng lớn nhất như thế này, còn cụ thể việc điều tiết nước do nhu cầu của hạ du phối hợp với các hồ và Đắk Mi 4 sẽ điều tiết lượng nước này chứ không nhất thiết là phải cứ xả 25m3/s trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)