Lưu trữ nước mưa để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt

Ảnh: Theo TT
Nước dưới đất là một loại tài nguyên quý giá nên việc khai thác, sử dụng cũng phải được tiến hành như khai thác các loại tài nguyên có ích khác. Nước dưới đất là thành phần của tài nguyên nước và có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của con người, có liên quan chặt chẽ với môi trường xung quanh. Hiện nay tình hình khai thác nước ngầm tại khu vực TP.HCM vượt quá 600.000m 3 /ngày, qua đó càng cho thấy tầng chứa nước đang bị hạ thấp, là cơ hội để mặn xâm nhập càng sâu, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm. Đây là vấn đề được các nhà khoa học quan tâm nhiều nhất tại hội thảo “Hưởng ứng ngày nước thế giới 22/3 – Nước phát triển cho đô thị và kỷ niệm ngày khí tượng thế giới 23/3” diễn ra vào ngày 21/3 tại TP.HCM.    
      
*Chất thải vào lưu vực sông càng tăng    
 Theo PGS TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam, hiện hạ lưu sông Đồng Nai phải tiếp nhận tải lượng chất thải công nghiệp, các chất gây ô nhiễm BOD5 (chất thải hữu cơ trong nước bị vi sinh vật phân hủy), COD (lượng oxy cần thiết để oxy hóa các chất hóa học trong nước) và P (photpho) tổng cao nhất là 38,4 tấn COD/ngày đêm, chiếm 60% tổng lượng; 8,8 tấn BOD5/ngày đêm, chiếm 41% tổng lượng; 299 kg P tổng/ngày đêm, chiếm 40% tổng lượng P. Riêng về lượng nước mưa chảy tràn, tiểu lưu vực sông Vàm Cỏ có lượng nước mưa chảy tràn cao nhất trong các lưu vực được nghiên cứu. Trong hơn 18 triệu m3 nước chảy tràn có khoảng 273,7 tấn TSS (chất rắn lơ lửng)/ngày đêm, hơn 18 ngàn tấn N tổng/ngày đêm, 310 tấn P tổng/ngày đêm.  
           Mặt khác, hạn hán thường xuyên xảy ra (3-4 năm/lần) đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Hạn đã làm mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền, gây ảnh hưởng đến cấp nước, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tốc độ nước biển dâng cũng tăng cao, độ cao trung bình là 3mm/năm, độ cao tối cao là 4mm/năm. Theo kịch bản biến đổi khí hậu trung bình của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc gia tăng lượng mưa dẫn đến việc gia tăng lượng dòng chảy trong tương lai, đồng thời có sự khác nhau giữa các tiểu lưu vực. Sự gia tăng này chủ yếu là do lượng dòng chảy mùa mưa từ tháng 6- tháng 11 tăng mạnh từ 1%-12,7%. Theo kịch bản cao, thì sự chênh lệch tăng mùa mưa và giảm mùa khô rất lớn. Điều nay gây thiếu hụt nước nghiêm trọng về mùa khô nhưng lại thừa nhiều nước về mùa mưa, gia tăng dòng chảy mùa lũ.  
          Ông Kỳ Phùng cũng nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước hiện nay, giải quyết tình trạng thừa-thiếu nước sinh hoạt do sự chênh lệch giữa mùa mưa và mùa khô ngày càng lớn, các địa phương trong lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn không thể thực hiện những giải pháp riêng biệt mà cần phải có hệ thống chính sách chung cho toàn khu vực. Bên cạnh đó cần thiết lập hệ thống quản lý tài nguyên nước nói chung và chất lượng nước nói riêng trong toàn lưu vực một cách hiệu quả. Đồng thời, xây dựng, áp dụng các quy định về phí sử dụng nước, xả nước thải, xử phạt vi phạm luật trong khu vực. Xây dựng kế hoạch về giáo dục bảo vệ môi trường và nguồn nước cho dân cư nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng cũng góp phần giúp cải thiện cuộc sống.  
          Không những vậy, các cơ quan chức năng tại các lưu vực sông như TP.HCM, Bình Dương, Biên Hòa, Vũng Tàu cần kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm do nước thải công nghiệp, cải tạo hệ thống tiêu thoát nước và xử lý nước thải, xử lý hiệu quả chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn sinh hoạt,…    
        
*Cần hệ thống trữ nước mưa   
 Ngoài những biện pháp xử lý các nguồn gây thải, làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường, tình trạng thừa nước thượng nguồn, thiếu nước hạ nguồn trước những đập thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai như Đa Nhim, Trị An, Bảo Lộc, Thác Mơ,… thì việc lưu giữ lại nguồn nước mưa trong mùa mưa kéo dài với lượng lớn là điều cần thiết trong việc xử lý nguồn nước sinh hoạt, song song với những hoạt động phải khai thác nguồn nước dưới đất như hiện nay.   
         PGS. TS Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng khoa địa chất, Dầu khí, Đại học Bách khoa (ĐHBK) TP.HCM cho rằng, những điều kiện kinh tế xã hội của riêng khu vực Tp.HCM hoàn toàn thuận lợi cho công tác thu gom nước mưa để bổ sung cho nước dưới đất. Vì ở đây, địa hình bằng phẳng, cùng với kênh rạch chằng chịt nên lượng nước mưa thoát tự nhiên không nhanh, đặc biệt là khi mưa trùng với giai đoạn có triều cường. Chính vì thế chúng ta có thể thu gom lượng mưa này dễ dàng hơn. Trong khi đó, lượng mưa tại thành phố khá lớn, lại phân bố tập trung vào mùa mưa với cường độ lớn. Mặt khác, với tốc độ phát triển đô thị cao cho phép áp dụng những kỹ thuật mới với các công trình xây dựng có quy mô vừa và lớn để thu gom nước mưa và thiết kế các giếng hấp thu nước mưa. Đặc biệt là nhà cao tầng có diện tích mái lớn hoặc các khu biệt thự mới quy hoạch.  
         Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn thành phố có trên 200.000 giếng khoan đang khai thác nước dưới đất, tập trung chủ yếu vào 2 tầng Pleistocen (tầng nước thứ 2) và Pliocen trên (tầng nước thứ 3), người ta chia tầng nước dưới đất thành 5 tầng. Các giếng khoan trong tầng 2 chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn uống hàng ngày (trên 150.000 giếng), ngoại trừ các khu vực Bình Chánh, quận 6, quận 8, Nhà Bè, Cần Giờ. Vì những nơi này nước tầng 2 bị nhiễm phèn và mặn nên không sử dụng được.  
          Để có thể phát triển hệ thống thu gom nước mưa từ mái nhà ở những khu vực có lượng mưa lớn nhất như Bình Chánh, Hóc Môn, quận 6, quận 8, quận 12, Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp,… thì ngoài hình thức thu gom nước từ mái nhà để đưa xuống các tầng chưa nước còn có thể dùng kênh thấm nước lòng đường, hồ thấm, bồn thấm… Đây là những cách rất dễ dàng triển khai. 
          Theo tính toán, khi xây dựng hệ thống lưu trữ nước mưa với diện tích 4,6    km 2 thì có thể đưa 196,6 m 3 nước xuống giếng trong 1 ngày. Với diện tích 137 km 2 thì lượng nước đưa xuống giếng là hơn 5.743 m 3 /ngày. Trong đó, lượng nước cần tiêu thoát là 7.970 m 3 /ngày. Nếu thiết kế hợp lý, thì sau khi tiêu thoát nước, có thể thu gom được hơn 5.000m 3 nước/ngày cho hồ chứa, đồng thời, làm giảm lượng nước tiêu thoát đi để sử dụng lại hiệu quả hơn.   
          Ông PGS.TS. Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa tin học, Khu Công nghệ Phần mềm, ĐHQG Tp.HCM cho biết thêm, trước tình trạng khai thác nước dưới đất ngày càng tăng như vậy đã gây ra biến dạng lún mặt đất ở nhưng nơi khai thác nhiều.

(Theo Monre.gov.vn)