Lời giải cho bài toán nước ngầm ở Sóc Trăng và những biện pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

Vĩnh Châu là địa phương có diện tích trồng màu lớn của tỉnh Sóc Trăng với hơn 10.000 ha, trong đó hành tím là cây màu chủ lực với diện tích trồng hàng năm từ 4.500 đến 6.000 ha, tập trung tại các xã giáp biển có giồng cát như Phường 2, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lai Hòa…Nước tưới cho cây màu này luôn là bài toán “đau đầu” với ngành chức năng khi vào những tháng mùa khô. Do cùng sử dụng trên một diện tích lớn nên mực nước ngầm tại thị xã Vĩnh Châu nhiều năm trở lại đây luôn giảm xuống nhanh chóng. Thậm chí, để có đủ nước tưới, nhiều hộ phải dậy từ 1 hoặc 2 giờ sáng để “thủ” sẵn nước tưới.
Dự án “Trình diễn các mô hình canh tác thích ứng với đất bị hạn hán và xâm nhập mặn trên cơ cấu luân canh cây trồng” do Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF/SGP) tài trợ được triển khai từ năm 2010 tại 3 khóm Cà Lăng A, Cà Săng và Vĩnh Bình thuộc Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu) đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của người dân và ngành chức năng trong việc giải quyết bài toán nước ngầm và những biện pháp canh tác mới thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
Với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác phù hợp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn như: Phủ rơm giữ ẩm hạn chế bốc thoát hơi nước trong điều kiện khô hạn, bón phân hữu cơ tăng cường giữ ẩm và độ màu mỡ cho đất, kết hợp sử dụng phân hữu cơ sinh học hạn chế sâu bệnh trên các loại cây trồng, giúp cây tăng cường tính chống chịu hạn, mặn. Các hộ tham gia dự án sử dụng phân hữu cơ vi sinh thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với liều lượng cao như trước đây, giúp bổ sung chất hữu cơ và vi lượng cho cây trồng và cho đất. Bên cạnh đó, việc chọn loại cây màu sử dụng ít nước hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn để canh tác trong điều kiện hạn hán, luân canh sau hành tím cũng được đặt ra. Năm 2011, trong tổng số 93 hộ tham gia mô hình với hơn 33 ha đất, nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng đậu xanh thay vì trồng đa số là củ cải trắng (loại màu hám nước) như năm trước.
Đất trồng màu ở Vĩnh Châu thuộc loại đất cát pha, đây là loại đất giồng cát với đặc tính thông thoáng, tơi xốp thích hợp cho cây trồng cạn và cây lấy củ phát triển, tránh được tình trạng bị ngập úng vào mùa mưa. Tuy nhiên thoát nước nhanh cũng là điều bất lợi vì làm cho đất không giữ được nước sau khi tưới, kéo theo sự mất phân do thấm lâu và rửa trôi. Do đó canh tác trên đất giồng phải có kỹ thuật bón phân và tưới nước cho phù hợp với vùng đất này.
Chị Phạm Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Vĩnh Châu, thành viên Ban Điều hành dự án cho biết; Dự án đã góp phần rất lớn trong việc tăng cường khả năng thích ứng của cây trồng với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế thoái hóa đất tại địa phương. Đặc biệt, dự án đã góp phần rất lớn trong việc định hướng sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên bảo vệ môi trường, cùng phát triển kinh tế và giảm nghèo tại địa phương.
 

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)