Lo nước cho mùa hè

Nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hè luôn là lo lắng từ nhiều năm nhưng càng trăn trở hơn trong điều kiện khí hậu khó lường như năm nay. Thiếu nước trước hết là các tỉnh vùng núi phía Bắc ít sông suối, các đô thị tập trung dân, vùng ven biển bị xâm mặn và vùng nông thôn rộng lớn, vốn mới chỉ có 45% dân cư được sử dụng nước sạch, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang làm cho tỷ lệ này giảm xuống đáng kể. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 15 vạn người thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè, trong đó Hà Nội là gần 6 vạn người. Nhiều vùng thiếu nước quanh năm như vùng cao Hà Giang, vùng ngập mặn ven biển, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, bán đảo Cà Mau, một số vùng ít mưa như cực Nam Trung Bộ, vấn đề nước sách đã trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với đời sống người dân, thậm chí quan trọng không thua kém lương thực, thực phẩm.

Chưa có thói quen tiết kiệm nước sạch, đó là nguyên nhân chính của tình trạng nước sạch dùng trong sinh hoạt ngày một thiếu. Sau hơn 20 năm phát triển, hầu hết các con sông, kênh rạch vùng đồng bằng đều đã bị ô nhiễm đến mức không thể dùng cho sinh hoạt được. Ô nhiễm nước sông do nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề nhưng phải kể đến thói quen mất vệ sịnh trong một bộ phận dân cư. Thải rác, nước bẩn, các chất thải sinh hoạt của người, xác súc vật chết xuống nguồn nước rồi lại dùng nước đó để rửa rau, vo gạo, tắm giặt đã gây ra nhiều thứ dịch bệnh ở các thôn làng. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn cho gia súc, cá với liều lượng hóa chất dư thừa lớn đã hủy hoại các dòng sông và ao hồ. Chỉ tính vùng đồng bằng sông Hồng quanh khu vực Hà Nội, các lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy đã cơ bản thành các dòng sông chết. Ở quanh TPHCM, sông Sài Gòn, sông Đòng Nai, nhiều sông lớn ở ĐBSCL cũng đã không thể sử dụng được nước, ngay cả trong sinh hoạt thông thường như tắm, giặt, bơi lội. Nước mặt đã vậy, nguồn nước ngầm cũng đang cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng. Cả nước hiện nay có khoảng 1,5 triệu giếng khoan nước ngầm nhưng có đến 60% số giếng này không đúng kỹ thuật, không được thường xuyên duy tu bảo dưỡng. Những giếng ngầm này đã sử dụng lãng phí, ô nhiễm, nhiễm mặn, hủy hoại nguồn nước ngầm quí giá ở hầu khắp các địa phương. Riêng với các thành phố lớn, việc khai thác quá mức nước ngầm đang làm vơi cạn nguồn tài nguyên này. Nền đất đô thị Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM đang bị lún với tốc độ nhanh. Cần phải nghĩ đến khả năng nhà nghiêng, lún, các hố tử thần ngày một nhiều, hiện tượng nứt đất chưa rõ nguyên nhân là do có sự tác động của tình trạng nước ngầm đang cạn kiệt gây ra.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa hè, nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn đã sửa chữa, lắp đặt thêm đường ống, mở rộng cấp nước tự chảy cho trên 3 vạn người. Ở vùng núi, các địa phương đã có phong trào xã hội hóa việc cấp nước sạch cho bà con các dân tộc. Các tỉnh, thành phố cũng đã tranh thủ tiền viện trợ, cho vay của nước ngoài, tăng thêm các nhà máy, đường ống, trạm bơm lọc nước phục vụ nhân dân.
Riêng Hà Nội, đã có kế hoạch tăng nguồn nước sạch từ 585.000 m3/ngày đêm lên 638.000 m3/ngày đêm trong đó có việc tăng sản lượng nước mặt sông Đà từ 15.000 đến 20.000 m3, xóa tình trạng phải cấp nước bằng xe bồn lưu động ở 6 khu vực nội thành và phát triển đường ống ra các quận, huyện ngoại thành, giải quyết nước sạch cho 290.000 người vv… Tuy nhiên, để cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân mùa hè năm nay và những mùa hè tiếp sau, vẫn rất cần giáo dục, vận động kể các biện pháp cưỡng chế tiết kiệm nước, đồng thời hạn chế thất thoát nước bằng các biện pháp kỹ thuật. Với tình trạng thất thoát nước hiện nay, mỗi ngày đêm Hà Nội để mất 60.000 m3 nước sạch. Với lượng nước này, đủ dùng cho số người đang thiếu nước, trong kế hoạch phải 10 năm nữa mới đáp ứng được.

(Theo Monre.gov.vn)