Lo ngại về việc ô nhiễm nước ngầm Hà Nội

tt954Gần đây, dư luận băn khoăn về các thông tin cho rằng nguồn nước ngầm Hà Nội đang ở mức đáng báo động về số lượng cũng như chất lượng. Thế nhưng, ở góc nhìn của một nhà địa chất thủy văn hơn 30 năm kinh nghiệm, TS. Nguyễn Văn Đản, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường nước lại cho rằng, chất lượng nước ngầm Hà Nội rất tốt, nếu biết khai thác hợp lý sẽ đủ để cung cấp và phục vụ cho nhu cầu dùng nước trong tương lai. TS. Nguyễn Văn Đản cho biết:

– Tài nguyên nước khu vực Hà Nội rất phong phú nhưng không đồng đều. Ở vùng đồng bằng nhất là ven sông Hồng và sông Đuống rất giàu nhưng vùng phía Bắc (huyện Sóc Sơn) và vùng phía Tây (huyện Ba Vì) lại nghèo. Theo tôi, tài nguyên nước Hà Nội đủ để cung cấp cho nhu cầu về nước của thành phố Hà Nội đến năm 2030, có thể đến năm 2050. Theo đánh giá, tiềm năng nước ngầm vùng Hà Nội cũ có khả năng cung cấp 6 triệu m3/ngày trong khi nhu cầu khai thác đến năm 2030 mới chỉ khoảng 3 triệu m3/ngày. Trên thực tế chúng ta thường chỉ khai thác hết khoảng 25% – 30% tiềm năng trữ lượng nguồn nước được đánh giá. Như vậy, tại địa bàn thành phố Hà Nội chúng ta có thể khai thác được 1,5 triệu m3/ngày.

* Như ông vừa nói, tiềm năng nước dưới đất Hà Nội rất lớn nhưng trong Quy hoạch cấp nước trong tương lai, Hà Nội đã ưu tiên đầu tư dự án khai thác nước mặt các sông Đuống, sông Hồng và sông Đà với nhận định rằng nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố đang cạn kiệt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

– Theo tôi, đây là cách nhìn nhận chưa toàn diện. Các cấp quản lý, lãnh đạo thành phố vẫn cho rằng nguồn nước ngầm Hà Nội rất hạn chế. Kết quả công bố của ngành địa chất từ năm 1983 cho biết, Hà Nội có khả năng khai thác khoảng 800.000 m3 nước/ngày. Từ đó đến nay, họ luôn nghĩ rằng trữ lượng nước ngầm Hà Nội chỉ giới hạn ở mức độ ấy. Tuy nhiên, để khai thác được tiềm năng 6 triệu m3/ngày như trên tôi đã nói, cần đầu tư thăm dò mới nâng được trữ lượng khai thác lên và khai thác nước được nhiều hơn.

Chất lượng nguồn nước giảm và suy thoái nước Hà Nội hiện nay là do khai thác không hợp lý. Ở một số nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội mực nước đang cạn dần. Đó là dấu hiệu của sự suy thoái và nhiễm bẩn nguồn nước nhất là ở phía Nam thành phố Hà Nội như khu vực Pháp Vân, Tương Mai, Linh Đàm…

* Theo ông cần có giải pháp gì để đảm bảo nguồn nước Hà Nội hạn chế được sự ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt ?

– Theo tôi, cần thay đổi mạng lưới khai thác nước ngầm Hà Nội. Đối với các vùng xa sông Hồng không nên khai thác nhiều mà, chỉ nên khai thác nhỏ, vì những vùng này không có nguồn bổ cập cho nước ngầm. Đối với những vùng dễ bị suy thoái và nhiễm bẩn, cần dịch chuyển công trình khai thác đến vị trị khác.

Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, vùng ven sông Hồng và sông Đuống (cả bờ Nam và bờ Bắc) là nơi khai thác được nguồn nước sông Hồng rất giàu và tốt về chất lượng, có thể ví như “các nhà máy về nước dưới đất”. Mặt khác, cần bố trí ít giếng khai thác trên sông Hồng và sông Đuống bởi lưu lượng nước rất lớn. Hiện tại, khu vực này đang sạch nhưng khá nhạy cảm nên ngay từ bây giờ phải có giải pháp bảo vệ hợp lý.

 

* Xin cám ơn ông !

 

Dự thảo lần 6 Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa được kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII thảo luận đã quy định cụ thể, chi tiết hơn, xiết chặt việc bảo vệ nước dưới đất.

Cụ thể, dự thảo đề xuất: Ở những vùng nước dưới đất bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, cơ quan quản lý tài nguyên nước phải khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác và có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn nước dưới đất. Tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất ở các vùng đồng bằng, ven biển có nguy cơ xâm nhập mặn phải thực hiện các biện pháp phòng, tránh xâm nhập mặn theo quy định. Tổ chức, cá nhân thi công khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khai thác nước dưới đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…

 (Theo Monre.gov.vn)