Bảo vệ nguồn nước ngầm cho tương lai

tt940Vào mùa khô, lượng nước ngầm tại các vùng cao của tỉnh như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, TX. Long Khánh bị sụt giảm khá lớn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và môi trường, Đồng Nai hiện có trên 1.200 giếng bỏ hoang không sử dụng chưa được người dân lấp lại. Mùa mưa, nước từ các nơi tràn vào các giếng bỏ hoang, gây ô nhiễm nguồn nước; còn mùa khô sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm. Do đó, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người dân lấp các giếng bỏ hoang này.

 * Hàng loạt giếng bỏ hoang

Mấy năm gần đây, Đồng Nai chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa có nhiều thay đổi. Trước đây, đầu mùa mưa chủ yếu mưa ở phía Bắc tỉnh (Tân Phú, Định Quán), đến giữa và cuối mùa mưa mới dịch chuyển về các vùng phía Nam tỉnh (Trảng Bom, TP.  Biên Hòa, Long Thành và Nhơn Trạch). Song, gần 4 năm nay mưa chủ yếu tập trung ở phía Nam tỉnh và không còn theo quy luật như trước. Đồng thời, lũ đầu nguồn giảm dần, dẫn đến nguồn nước mặt, nước ngầm sụt giảm, khả năng thiếu nước trong mùa khô tăng cao. Ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, để có nước sinh hoạt, sản xuất người dân phải đào hoặc khoan giếng. Nếu không may gặp giếng không có nước họ đành phải bỏ để đào giếng khác. Khi bỏ giếng không có nước, đào giếng mới rất ít hộ nghĩ đến việc bỏ tiền, công trám lấp để đảm bảo nguồn nước ngầm.

Ông Trần Đình Văn, cán bộ xã Ngọc Định (huyện Định Quán) cho hay: “ Tôi sống ở ấp Trung Hòa, nơi có khoảng 400 hộ, hầu như nhà nào cũng phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt, sản xuất. Vì đây là vùng cao, vào mùa khô rất nhiều giếng hết nước nên các hộ lại phải đào thêm giếng để có nước dùng. Sau khi đào giếng mới, rất ít hộ có điều kiện lấp giếng cũ vì chi phí hơn 1 triệu đồng/giếng. Do đó, giếng bị bỏ hoang khá nhiều, nếu có sự hỗ trợ của nhà nước bà con sẽ tiến hành lấp để bảo vệ nguồn nước ngầm và tránh ô nhiễm”.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm, vừa qua tỉnh đã hỗ trợ làm điểm việc trám lấp gần 100 giếng bỏ hoang tại huyện Long Thành. Dự tính trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí để người dân các huyện, thị, thành trám lấp giếng bỏ hoang.

* Trách nhiệm chung

Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Thực tế đã chứng minh, thời gian qua thời tiết cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng có nhiều diễn biến bất thường. Cụ thể, mùa khô kéo dài, mùa mưa đến trễ, lượng mưa suy giảm hoặc tăng bất thường và mưa lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn. Vì thế những năm gần đây, sông Đồng Nai và một số con sông lớn khác trong cả nước dòng chảy giảm sút gây thiếu nước ngọt vào mùa khô. Theo Cục Tài nguyên nước (thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường), tổng lượng nước mặt phát sinh và chảy qua lãnh thổ nước ta khoảng 830 tỷ m3/năm, trong đó cả nước sử dụng gần 81 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, lượng nước phân bổ không đều nên vào mùa khô có 2/3 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng. Sông Đồng Nai là một trong 6 sông khai thác đến mức rất căng thẳng.

Tại Đồng Nai, những nơi có nước máy về, tỉnh chỉ đạo không cho khai thác nước ngầm nhằm bảo vệ tài nguyên nước. Ông Trần Thanh Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên nước thuộc Sở Tài nguyên và môi trường cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 huyện, thị hoàn thành việc thống kê và lên phương án trám lấp các giếng bị bỏ hoang. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ huyện Long Thành trám lấp thí điểm giếng bỏ hoang để nhân rộng ra”. Để bảo vệ nguồn nước ngầm, Đồng Nai cũng tăng cường quản lý bằng cách thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong khai thác nguồn nước ngầm ở những vùng đã có nước máy.

Thực tế, bảo vệ nguồn nước ngầm là công việc chung của tất cả mọi người dân. Vì thế, trong sinh hoạt hàng ngày nếu mỗi người tập thói quen sử dụng tiết kiệm nguồn nước và có ý thức bảo vệ nguồn nước ngầm, sẽ giảm khả năng thiếu nước ngọt.

 

 

(Theo Khánh Minh – baodongnai.com.vn)