Liệu thủy điện còn giữ vai trò trong phát triển năng lượng ?

Thủy điện chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện tại Việt Nam. Song việc phát triển thủy điện tràn lan không kiểm soát được trong thời gian qua đã và đang gây ra nhiều tác động đến môi trường và dân sinh.

Thủy điện – ưu thế trong phát triển năng lượng

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Năng lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng và trong tương lai không xa sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Nếu Việt Nam không đảm bảo được khai thác các nguồn năng lượng trong nước một cách hợp lý, nhập khẩu năng lượng sẽ xảy ra khoảng năm 2015.

Theo các nhà khoa học, thủy điện chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện Việt Nam và đóng vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy thủy điện còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước cho hạ du phục vụ nhu cầu dân sinh trong mùa kiệt.

Với hơn 2300 dòng sông là điều kiện để nước ta phát triển thủy điện. Tính tới năm 2010, cả nước có 75 công trình thủy điện lớn và khoảng trên 470 công trình thủy điện nhỏ với công suất từ 1000 đến 3000 MW. Trong đó sông Đồng Nai dẫn đầu về số công trình thủy điện lớn 17/75 công trình (22,6% tổng số công trình trên toàn quốc).

Trong tương lai đến năm 2020, tổng công suất thủy điện đạt 17.400 MW, chiếm 23,1% trên tổng số 75.000MW tổng nguồn điện năng quốc gia. Theo đó, nguồn lực thủy điện được khai thác tập trung ở các hệ thống Sông Đà 6.800MW, Đồng Nai 3.000 MW, Sê San 2.000MW, Lô Gâm 1.600MW, Vu Gia- Thu Bồn 1.500 MW, Mã – Chu 760MW, Sông Cả 480MW, Sông Hương 280MW, Sông Ba Hạ 550MW và tiềm năng thủy điện nhỏ có tổng công suất khoảng 3.000MW.

Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện tràn lan thời gian qua đã bộc lộ những bất ổn, hậu quả xấu. Theo các chuyên gia, những bất cập đang dần lộ rõ trong công tác quản lý xây dựng và vận hành các công trình thủy điện. Chính vì vậy, mục tiêu đặt ra ban đầu của việc xây dựng thủy điện đã có sự thay đổi, thậm chí đang gây ra nhiều hệ lụy chưa lường trước được.

Những lợi ích mà thủy điện đem lại trong phát triển năng lượng quốc gia là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, đã đến lúc cần phải xem xét lại các lợi ích của thủy điện vì thực tế lợi ích đó đang đi theo hướng ngược lại. Đời sống người dân vùng dự án thủy điện có thay đổi nhưng là đổi thay theo hướng…tiêu cực.

Cần một kế hoạch phát triển thủy điện bền vững

Đây là vấn đề không chỉ các nhà khoa học mà các nhà quản lý đang hướng tới trong bối cảnh phát triển thủy điện tràn lan như hiện nay. Thực tế, sau khoảng thời gian phát triển thủy điện ở nước ta làm nảy sinh những vấn đề như mất rừng, suy thoái đa dạng sinh học, mất đất sản xuất làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, thay đổi chế độ dòng chảy của các dòng sông… và một số thủy điện không thực hiện được vai trò cắt lũ vào mùa mưa và điều tiết nước vào mùa khô đã khiến các nhà khoa học phải nhìn nhận lại vấn đề phát triển thủy điện.

Theo các chuyên gia, hơn 90% công trình thủy điện trong cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ vào mùa mưa và điều tiết nước cho vùng hạ du vào mùa khô hạn.

Ngoài ra, chất lượng của các công trình thủy điện cũng cần phải được xem xét lại. Bài học từ Thủy điện Sông Tranh thời gian qua đã khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi, liệu chất lượng các công trình thủy điện hiện nay có được đảm bảo.

Vì thế, theo các nhà khoa học, kế hoạch phát triển thủy điện cần được các cấp ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế sự phát triển thủy điện một cách tràn lan – giảm thiểu những tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái của dòng sông, văn hóa các cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ hôm nay và mai sau. Việc phát triển thủy điện cần phải bền vững vì lợi ích của tất cả, có sự tham gia thực sự của các bên liên quan, cộng đồng ảnh hưởng trong quá trình từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến vận hành công trình. Bài học từ sự cố tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 càng khiến chúng ta phải xem xét kỹ hơn đến vấn đề an toàn đập. Đối với các công trình đang và sẽ ra đời cần có cơ chế chia sẻ lợi ích một cách công bằng giữa nhà đầu tư – cộng đồng trong suốt quá trình vận hành công trình. Chủ đầu tư các công trình đập thủy điện phải đảm bảo có qui trình tích nước, xả lũ an toàn, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố.

Có thể nói, với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng như hiện nay thì sản xuất năng lượng để đáp ứng nhu cầu này còn cần đến nhiều nước hơn nữa và thủy điện có lẽ vẫn được duy trì ở vị trí đứng đầu để sản xuất năng lượng. Thế nên, kiểm soát chặt chẽ tác động của việc xây dựng các công trình thủy điện thông qua các chỉ số kỹ thuật và các báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng các công trình này là tối cần thiết và không được buông lỏng.


 

 

(Theo Monre.gov.vn)