Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII – Tăng cường quản lý tài nguyên nước bằng quy hoạch, chiến lược

tt948Ngày 2/11, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang đã trình bày trước Quốc hội các nội dung sửa đổi của Luật Tài nguyên nước. Việc quản lý tài nguyên nước bằng chiến lược, quy hoạch được thể hiện rõ trong lần sửa đổi này.

Toàn bộ 12 Điều của Chương II – Điều tra cơ bản, Chiến lược, Quy hoạch tài nguyên nước là những nội dung mới, quy định chi tiết về công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; tổ chức thực hiện công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước; chiến lược tài nguyên nước; quy hoạch tài nguyên nước; nguyên tắc lập quy hoạch tài nguyên nước; căn cứ lập quy hoạch tài nguyên nước; nội dung nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước; nội dung quy hoạch tài nguyên nước; lập, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch tài nguyên nước; điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước; tổ chức thực hiện quy hoạch tài nguyên nước; lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin quy hoạch tài nguyên nước.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, ngoài điểm mới về chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, dự thảo Luật tiếp tục khẳng định Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về tài nguyên nước, đồng thời thể hiện rõ quan điểm phải khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ có hiệu quả tài nguyên nước – nguồn tài nguyên có thể tái tạo nhưng hữu hạn. Từ đó, khuyến khích, ưu đãi các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ, đầu tư công trình, thực hiện các biện pháp khai thác, sử dụng nước tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước.

Một điểm mới nữa là tăng cường áp dụng các công cụ, biện pháp kinh tế, tài chính trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ tài nguyên nước, cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc coi tài nguyên nước là tài sản, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước thì phải nộp tiền.

Việc quản lý tài nguyên nước phải theo nguyên tắc tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước theo lưu vực sông kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính. Về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn của các Bộ, ngành và của chính quyền địa phương các cấp; bổ sung quy định về việc điều phối lưu vực sông.

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XIII có 10 Chương, 85 Điều. Trong đó có 36 điều được bổ sung mới toàn bộ về nội dung và có 49 điều được sửa đổi, bổ sung nội dung. So với Luật Tài nguyên nước hiện hành, Dự thảo Luật tăng 10 điều. Theo kế hoạch, ngày 3/11, các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ và ngày 9/11, đại biểu sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này.

* Chiều 1/11, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về kế hoạch sử dụng đất 5 năm và quy hoạch sử dụng đất đến 2020. Nhiều ý kiến đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 – 2010. Thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần tích cực vào việc phát huy tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã khoanh định quỹ đất sản xuất nông nghiệp, bảo vệ quỹ đất trồng lúa, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu…

Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 – 2015, nhiều ý kiến đồng tình giữ 3,8 triệu ha đất lúa. Có ý kiến đề nghị cân nhắc tăng 138 nghìn ha đất khu công nghiệp, bởi hiện tỷ lệ lấp đầy mới đạt hơn 45%.

Các đại biểu cho rằng, muốn quy hoạch sử dụng đất thành công, cần loại trừ việc đáp ứng lợi ích nhóm.

 

 

(Theo monre.gov.vn)