Kịch bản chống ngập mùa mưa lũ 2011 của Hà Nội: Có khả thi?

Nỗi lo ngập lụt vẫn ám ảnh người dân Thủ đô mỗi mùa mưa đến
Nỗi lo bị ngập úng như trận lụt năm 2008 vẫn luôn ám ảnh người dân thành phố Hà Nội mỗi khi mùa mưa tới Mới đây, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị xong kịch bản đối phó với úng ngập trong mùa mưa bão năm 2011. Liệu kịch bản này có tính khả thi ? Khả năng chịu đựng của kết cấu hạ tầng đô thị hiện nay đến mức nào để người dân Hà Nội không còn cảnh “lội phố”?

Ba phương án chống ngập được Hà Nội chuẩn bị chu đáo

Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, đến nay, Công ty đã hoàn tất kịch bản thoát nước và chống ngập úng trong mùa mưa năm nay với 3 tình huống cụ thể. Theo đó, tình huống 1: Lượng mưa dưới 50mm được dự báo trên các trục chính của thành phố cơ bản không có điểm úng ngập, chỉ tồn tại một số khu vực trũng hoặc hệ thống thoát nước chưa được cải tạo thời gian thoát nước kéo dài hơn gây đọng nước trên mặt đường. Với tình huống này, Công ty sẽ sử dụng các phương tiện cơ giới để thông tắc, bơm hút nước tại các khu vực có địa hình trũng. Tình huống 2: (khi lượng mưa từ 50 đến dưới 100mm trong 24 giờ), Cty sẽ huy động lực lượng ứng trực kịp thời, đặc biệt vận hành tối đa công suất của trạm bơm Yên Sở (90m3/s) và khả năng thoát nước của đập Thanh Liệt; vận hành tối đa công suất các trạm bơm khác (20m3/s) như Bắc Thăng Long – Vân Trì; Hầm Kim Liên; Cầu chui, trạm bơm hầm chui Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trạm bơm Thanh Bình (đường Trần Phú – Hà Đông)…

Đồng thời đặt các tổ bơm di động để tiêu thoát trên các tuyến phố có khả năng bị úng ngập cao. Ngoài ra, sẽ vận hành các cửa đập điều tiết để khai thác khả năng điều hòa nước của các hồ Tây, hồ Đống Đa, hồ Thuyền Quang, hồ Bảy Mẫu…

Riêng với tình huống 3: (khi có mưa rất to với lượng mưa trên 100mm trong 24 giờ), ngoài các biện pháp trên, Cty Thoát nước Hà Nội buộc phải tính đến việc phá dỡ toàn bộ các đập chắn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước. “Cty đã xây dựng phương án phá dỡ đập quây thi công, bơm dẫn dòng khi mưa lớn kéo dài xảy ra tại một số tuyến cống hóa như Hào Nam – Yên Lãng, tuyến Thành Công, cải tạo hồ Hào Nam, Linh Quang…” – ông Nguyễn Lê cho biết. Bên cạnh đó, Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT để điều hòa nước hợp lý giữa nội thành và ngoại thành.

Kịch bản và thực tế

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù hệ thống thoát nước của 10 quận nội thành hiện có chiều dài khoảng 300 km, được xây dựng chủ yếu từ thời Pháp nên hầu hết đều đã xuống cấp. Song, với các kịch bản đã xây dựng, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, phương án chống ngập của Hà Nội hoàn toàn có tính khả thi.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Công ty Thoát nước phải luôn kiểm tra, duy tu và cải tạo khơi thông các cống tiêu nước trong mùa mưa lũ, ứng trực kịp thời để giải quyết úng ngập. Khi có úng ngập cục bộ, đơn vị phải huy động ngay người và máy bơm để thông tắc. Ông Nguyễn Lê cho biết, khi có lượng mưa trên 100mm, Cty đã chuẩn bị phương án huy động 100% cán bộ công nhân viên để làm vệ sinh các họng thu nước mặt, kiểm tra, kịp thời xử lý các vật cản làm ảnh hưởng và thu hẹp dòng chảy.

Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sẽ đảm bảo thoát nước nhanh khu vực nội thành đối với trận mưa trên 310mm/2 ngày, đêm trong mùa mưa 2011, phấn đấu giảm thời gian úng ngập cục bộ ở mức thấp nhất. Cụm công trình đầu mối Yên Sở sẽ vẫn là trọng tâm giúp tiêu toát nước của TP.

Mới đây, thành phố đã đồng loạt triển khai cải tạo, nạo vét 15 tuyến kênh mương quan trọng trong gói thầu số 3 – thuộc dự án đoạn II. Đây là gói thầu có vai trò rất quan trọng, khi hoàn thành, sẽ giúp tiêu thoát hơn 300mm nước trong hai ngày, tương đương một trạm bơm lớn.

Ngoài ra, Sở Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc tiêu, thoát nước cống hóa tuyến Thái Hà – Thái Thịnh, kiểm tra, xử lý công trình, dự án thi công ảnh hưởng tới công tác tiêu thoát nước tại Khu đô thị Tây hồ Tây. Công ty Thoát nước khẩn trương thi công tuyến cống Huỳnh Thúc Kháng – Láng Hạ – Láng và hoàn thành nạo vét, đấu nối một số tuyến khác.

Ông Lê Văn Dục khẳng định, Sở sẽ ưu tiên triển khai các công trình chống úng ngập cục bộ, chống lấn chiếm hồ, mương, sông và yêu cầu xử lý, dỡ bỏ các công trình xây dựng ảnh hưởng đến việc thoát nước. Đồng thời, đốc thúc các dự án triển khai nhanh, đúng tiến độ.

Tuy nhiên, việc hoàn thành nhiều dự án mới này còn xa. Lo ngại nhất trong khâu thoát nước tiêu úng là một số công trình thi công hiện nay không tuân thủ đúng thỏa thuận dẫn dòng làm co hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của kênh mương.

Những tuyên bố, những lời hứa vẫn thật chắc chắn. Nhưng, chuyện úng ngập lại không diễn ra trong các phòng họp. Hiển hiện mới nhất là những cơn mưa thưa thớt đầu hạ, hàng chục tuyến phố của Thủ đô đã ngập nước !

 

 

(Theo Monre.gov.vn)