Không đồng tình xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông

 

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai phát biểu tại Hội thảo
Ngày 14/1, tại Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến các tỉnh ĐBSCL về đề xuất xây dựng thủy điện  Xayabury trên sông Mê Kông của Lào. Thứ trưởng BộTN&MT Nguyễn Thái Lai chủ trì Hội thảo.

      Công trình Thủy điện Sayaboury là một trong 11 công trình thủy điện của nhiều nước dự kiến đặt tại hạ du dòng chính của sông Mê Kông. Công trình này nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, cách ĐBSCL 1.930km, dài 810m, công suất dự kiến 1.260 MW… Chủ đầu tư đang trong quá trình tiến hành quy trình thủ tục thông báo, tham vấn và thỏa thuận với các nước trên lưu vực sông Mê Kông.

      Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khảo sát, nghiên cứu lấy ý kiến các cơ quan quan lý và các nhà khoa học về Dự án này (dự kiến sẽ tổ chức 2 hội thảo tham vấn ý kiến). Tại Hội thảo đầu tiên này, đa số các ý kiến đều phản đối dự án xây dựng công trình Thủy điện Sayaboury trên dòng chính sông Mê Kông vì nếu xây dựng sẽ là “tiền đề” để hàng loạt công trình thủy điện khác xây dựng tiếp theo; hoặc yêu cầu phải hoãn lại một thời gian để có sự chuẩn bị, tham vấn đầy đủ từ các quốc gia liên quan. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, các báo cáo, số liệu của dự án chưa đáng tin cậy vì các nghiên cứu ĐTM do các chủ đầu tư tiến hành đơn giản và không toàn diện.

     Theo đánh giá mới nhất của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) về môi trường chiến lược thủy điện dòng chính sông Mê Kông, Việt Nam có khoảng 14 triệu người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi các dự án thủy điện dự kiến xây dựng ở hạ du sông Mê Kông.  Khả năng giảm dòng chảy trong mùa khô, kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm gia tăng sự xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL. Theo đó, lượng phù sa về ĐBSCL hiện khoảng 26 triệu tấn/năm sẽ giảm còn 7 triệu tấn/năm, chất dinh dưỡng từ trên 4.150 tấn/năm xuống còn trên 1.000 tấn/năm; sản lượng đánh bắt cá sẽ giảm từ 200-400 nghìn tấn/năm; mất hầu hết môi trường sống thủy sinh, làm giảm 12-27% năng lực tái sinh của hệ sinh thái. Ngoài ra, còn nhiều tác động đến môi trường nước, giao thông đường thủy, gây sạt lở bờ sông…

     Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh việc triển khai xây dựng những công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Vì vậy việc đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông cần được nghiên cứu cẩn thận và phải được sự đồng thuận cao của tất cả các nươc trên lưu vực. Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Thường trực sông Mê Kông tổng hợp tất cả những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, xây dựng dự thảo báo cáo Chính phủ để có giải pháp cụ thể về vấn đề này.

 

 

 


(Theo Monre.gov.vn)