Dân số thế giới tăng nhanh cộng với chủ nghĩa tiêu dùng đang đẩy hành tinh chúng ta vào tình trạng “nợ sinh thái” ngày càng trầm trọng. Không chỉ rừng, năng lượng, đến cả nguồn tài nguyên nước cũng đang dần cạn kiệt. Kết thúc Hội nghị về đa dạng sinh học tại Nhật Bản vừa qua, các nhà nghiên cứu khẳng định, chúng ta chỉ còn cách tìm một hành tinh khác để sinh sống.
Sự suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra với mức độ nghiêm trọng, trong đó không thể không đau đáu trước nguồn tài nguyên nước đang khô cạn. Quá trình đô thị hóa, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu ngày càng gây áp lực nặng nề lên khối lượng và chất lượng nguồn nước.
Cụ thể hơn, 80% nguồn nước ngọt và 2/3 trong tổng số các con sông trên thế giới đang dần cạn nước. Những đợt hạn đang xuất hiện ở châu Âu, tiểu lục địa Ấn Độ, miền Đông Trung Quốc, phía Nam Mexico và khu vực phía Đông dãy Rocky ở Mỹ. Rất nhiều con sông hay hồ nước dần khô cạn vì con người dùng nước để tưới tiêu trong trồng trọt và sản xuất các sản phẩm công nghiệp mà nhờ đó đảm bảo cho cuộc sống. Đó là một nghịch lý vì để duy trì sự sống trước mắt, con người đang hủy hoại tương lai của chính mình.
Theo thống kê của các nhà khoa học, nhu cầu nước trên toàn thế giới sẽ tăng tới 45% trong khi nguồn nước đang cạn kiệt ở mức báo động và ngày càng hiếm dần. Dự báo đến trước năm 2030, có khoảng 60 quốc gia lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hiện tại trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ người (khoảng 1/4 dân số toàn cầu) không có nước sạch và hơn 2 tỷ người không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn. Hàng năm, 3,6 triệu người chết vì các căn bệnh do nước ô nhiễm gây ra.
Khi nguồn nước bên trên đã cạn, tất yếu con người sẽ nghĩ ngay đến việc khai thác trữ lượng nước ngầm sâu dưới lòng đất. Song khi dùng hết lượng nước ngầm dự trữ trong lòng đất sẽ làm tăng thêm sự ô nhiễm nước, vì phân bón hóa học trong canh nông, các chất thải của con người và động vật cùng các hóa chất lại thẩm thấu vô lòng đất. Chính vì vậy, Tổ chức Quốc tế Khí tượng toàn cầu từng cảnh báo: “Sự ô nhiễm xâm nhập từ từ là trái bom nổ chậm đang de dọa toàn thể nhân loại”.
Hiện tượng “cầu vượt cung” khiến nhiều nơi trên thế giới, các tập đoàn kinh tế giành cung cấp nước cho cộng đồng. Những công ty tư nhân cho rằng nước còn quan trọng hơn dầu lửa và họ đang kiếm lời song song với việc củng cố quyền lực trong các vấn đề liên quan đến nước sạch (có nghĩa là liên quan đến an sinh của người dân). FAO cảnh báo, trong 15 năm tới sẽ có gần 2 tỷ người phải sống trong tình trạng bị thiếu nước. Cho nên không phải ngẫu nhiên các nhà môi trường đưa ra lời cảnh báo thế giới sắp bước vào một cuộc xung đột tranh giành nguồn nước.
(Theo sggp.org.vn (dịch từ Illegal-logging.info, BBC, Global P)