Sáng 28/4/2016 tại tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị giao ban về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL. Tham dự còn có lãnh đạo Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ TN&MT, Bộ Tài Chính… cùng lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn gồm: Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang).
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra vào thời điểm cuối năm 2015 đến tháng 4/2016, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tổng diện tích lúa thiệt hại các vụ là 208.800ha, trong đó thiệt hại dưới 30% năng suất với diện tích 19.300ha, từ 30 đến 70% năng xuất diện tích 71.100ha, thiệt hại trên 70% năng xuất diện tích 118.400ha.
Tổng diện tích cây ăn quả tại các địa phương vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn là 9.400ha, trong đó có 8.900ha thiệt hại dưới 30%, 290 ha thiệt hại từ 30 đến 70% và 180 ha thiệt hại từ 70% trở lên và 258.000 cây giống bị thiệt hại.
Về thủy sản, do độ mặn tăng cao, có khoảng 2.000 ha nuôi tôm quản canh bị thiệt hại tại các tỉnh như Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu.
Về nguồn nước sinh hoạt, tính đến nay đã có khoảng 225.800 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, nhiều nhất là Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang…
Để ứng phó, các Bộ ngành đã tăng cường các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, tăng cường lấy nước tích trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt khu vực ĐBSCL, cập nhật diễn biến của tình hình thời tiết, thủy văn, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng đã trợ giúp đắc lực cho việc chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn của Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương; theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước thượng nguồn sông MeKong, đánh giá ảnh hưởng đến ĐBSCL làm cơ sở dự báo xâm nhập mặn, thông báo cho các địa phương chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi lấy nước….
Hiện Trung ương đã hỗ trợ tổng số tiền 249,9 tỉ đồng cho các tỉnh để phục vụ lấy nước. Ngoài ra còn hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các tỉnh Long An, An Giang, Kiên Giang với số tiền 48,4 tỉ đồng…
Các tỉnh trong vùng cũng vào cuộc tích cực, từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành đến thực hiện các giải pháp thủy lợi, tổ chức theo dõi diễn biến thời tiết…
* Không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình hình hạn hán, xâm nhậm mặn được dự báo còn diễn ra gay gắt nữa đầu tháng 5/2016, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Cao Đức Phát đề nghị: Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; tiếp tục chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán; phân bổ, sử dụng đúng mục đích kinh phí đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ; chủ động bố trí ngân sách hoặc có văn bản đề nghị các Bộ thực hiện hỗ trợ đối với diện tích bị thiệt hại, giống, cây trồng, vật nuôi…
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng… đề nghị về trước mắt Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Còn về lâu dài, cần điều chỉnh quy hoạch của vùng cho phù hợp với tình hình thực tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hướng hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện các công trình thủy lợi liên vùng, thực hiện các công trình cung cấp nước cho người dân…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung theo dõi, chủ động, kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó. Phải huy động cả hệ thống chính trị ở địa phương vào cuộc, trong đó quan trọng nhất là người dân. Trước mắt cần thực hiện các giải pháp để đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, không để người dân thiếu nước.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, nguồn nước ở thượng nguồn để thông tin cho người dân chủ động ứng phó xâm nhập mặn, tích trữ nước.
Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn vận hành hệ thống cống đập thủy lợi, đảm bảo nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân; chỉ đạo phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Các địa phương sốm giải ngân các nguồn ngân sách hỗ trợ, chủ động bổ sung các trạm bơm, khuyến cáo thời điểm xuống giống, tổ chức sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ…
“Về lâu dài, cần sớm bổ sung kịch bản biến đổi khí hậu đến tận xã làm cơ sở để các địa phương lập quy hoạch, tăng cường năng lực dự báo, hoàn thiện hệ thống quan trắc, triển khai các giải pháp ứng phó hiệu quả với từng giai đoạn; điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch trữ nước ngọt, quy hoạch phát triển đô thị; quan tâm vấn đề biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội; tập trung quy hoạch cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn, trung hạn và hàng năm, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án ưu tiên, khuyến khí người dân áp dụng các giải pháp tiết kiệm nước, hỗ trợ người dân nước sạch…”- Phó Thủ tướng Chính phủ, Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
L.Hùng
(Nguồn tin: http://www.monre.gov.vn)