Hội thảo khởi đầu Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công”

Ngày 6/2/2012 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khởi đầu Dự án Hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đã đến dự và chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Ban Quản lý dự án giới thiệu tổng quan về Dự án. Theo đó, mục tiêu của Dự án nhằm xác định nội dung đầu tư và đánh giá tính khả thi của Dự án; Lập kế hoạch thực hiện dự án nhằm xác định các hoạt động chính, chi phí tài chính, tổ chức thực hiện làm cơ sở quyết định tài trợ đầu tư dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công”.

Dự án Hỗ trợ kỹ thuật bao gồm 4 hợp phần chính: Hợp phần 1 “Chuẩn bị cho dự án đầu tư về xây dựng thể chế trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước thông qua việc thành lập Tổ chức lưu vực sông ở Tây Nguyên”; Hợp phần 2 và 3 “Chuẩn bị cho dự án đầu tư về xây dựng mạng giám sát tài nguyên nước vùng biên giới với Campuchia và Lào ở lưu vực sông Mê Công; tăng cường mạng khí tượng thủy văn, hệ thống cảnh báo và dự báo lũ ở Tây Nguyên”; Hợp phần 4 “Quản lý và thực hiện Dự án”.
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc, sông Mê Công dài 4800 km, chảy qua lãnh thổ 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cămpuchia và Việt Nam rồi đổ ra Biển Đông. Với diện tích lưu vực 795.000 km2 và tổng lượng nước hàng năm là 475 tỷ m3; lưu vực sông Mê Công có tiềm năng rất lớn cho phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy điện, giao thông thủy và du lịch. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực cũng đang đứng trước những thách thức lớn có thể xảy ra trong tương lai như khan hiếm nước phục vụ phát triển kinh tế (do việc khai thác nước quá giới hạn ở thượng nguồn cho phát triển thủy điện, thủy lợi và nông nghiệp), ô nhiễm nước (do phát triển công nghiệp, đô thị hóa), lũ lụt và hạn hán (do biến đổi khí hậu)…. Do tính chất xuyên biên giới của hệ thống sông suối trong lưu vực, vấn đề lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm nước không chỉ tác động đến một phạm vi hành chính nhất định mà mang tính chất hệ thống liên quốc gia, liên vùng, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và an sinh xã hội của toàn thể những người dân sống trong lưu vực. Do nằm ở cuối nguồn của sông Mê Công, Việt Nam không chỉ hứng chịu mọi tác động tiêu cực do bất cứ hoạt động nào từ phía thượng lưu gây ra, mà còn chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Rõ ràng những thách thức của biến đổi khí hậu toàn cầu, xu thế phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Công, nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng của các quốc gia trong khu vực đã và đang đặt ra yêu cầu quan tâm cả về số lượng nước và chất lượng nước chảy qua thuộc lãnh thổ nước ta.

Nhận thức được những vấn đề đó, những năm qua, Việt Nam đã chủ động hợp tác, duy trì và củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các quốc gia ở thượng lưu và hạ lưu của Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và vì lợi ích quốc gia. Việt Nam đồng thời tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết điều ước quốc tế liên quan đến nguồn nước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Một trong những cam kết mang tính ràng buộc pháp lý mà các quốc gia thành viên đã xây dựng trong khuôn khổ hợp tác Mê Công đó là các quy chế sử dụng nước xuyên biên giới trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích, công bằng và hợp lý trong khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước và phòng chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra. Tuy nhiên, cho đến nay, việc áp dụng các quy chế đó còn gặp rất nhiều khó khăn do chúng ta thiếu thông tin số liệu về khí tượng thủy văn và tài nguyên nước, cũng như chưa nắm được tình hình sử dụng, khai thác các sông này trên phần lãnh thổ của các quốc gia láng giềng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là do hệ thống giám sát tài nguyên nước còn thiếu và lạc hậu, mạng thông tin tài nguyên nước còn yếu và không đồng bộ, việc khai thác thông tin tài nguyên nước yếu; việc triển khai chiến lược tài nguyên nước còn chậm và lúng túng, chưa có cơ chế hợp tác chặt chẽ và linh hoạt với các quốc gia láng giềng để giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh.

Việc triển khai xây dựng và thực hiện dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công” là hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thành công những chỉ đạo chiến lược của Chính phủ trong việc tăng cường và bảo vệ nguồn nước, đặc biệt là các sông suối vùng biên giới với các nước láng giềng.

 

 (Theo Monre.gov.vn)