Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam góp ý dự thảo “Thông tư quy định kỹ thuật hành lang bảo vệ nguồn nước”

Ngày 09/8, tại Hà Nội, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Thông tư quy định kỹ thuật hành lang bảo vệ nguồn nước”. Hội thảo do TS. Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam chủ trì.

Báo cáo tại Hội thảo, bà Tống Thị Liên – đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước, đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Thông tư cho biết, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước có một số nội dung công việc mới thường xuyên thực hiện trong công tác quản lý tài nguyên nước. Đó là các nội dung lập hành lang bảo vệ nguồn nước.


TS. Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phát biểu chủ trì hội thảo

Hiện nay, chưa có quy định kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước được cơ quan có thẩm quyền ban hành gây khó khăn cho công tác lập, thẩm định và triển khai thực hiện, do đó, để phù hợp với Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy phạm pháp luật cũng như thực tiễn yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước là rất cần thiết.

Báo cáo về  kết cấu và nội dung của dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước, bà Tống Thị Liên cho biết, dự thảo Dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước gồm 03 Chương, 29 điều, cụ thể bao gồm: Chương I. Quy định chung gồm 04 Điều; Chương II. Quy trình kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước, gồm 23 Điều; Chương III. Điều khoản thi hành, gồm 02 Điều.

Trong đó, quy trình kỹ thuật lập hành lang bảo vệ nguồn nước, bao gồm: Lập Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm 9 điều (từ Điều 5 đến Điều 14); Xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước khác theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP  (từ Điều 15 đến Điều 20); Thực hiện cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước ( từ Điều 21 đến Điều 27).

Trên cơ sở các nội dung được trình bày, đại diện các đơn vị tham dự hội thảo đã phát biểu, đóng góp các ý kiến cụ thể về bố cục dự thảo Thông tư; đặc thù công trình thủy lợi liên quan nhiều đơn vị hành chính; chi tiết công tác cắm mốc giới bảo vệ công trình thủy lợi; phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước tại các hồ chứa, thủy lợi, thủy điện; quy cách, sơ đồ cắm mốc giới;…. nhằm làm rõ các nội dung được nêu tại dự thảo Thông tư.

Phát biểu kết luận và bế mạc hội thảo, TS. Hoàng Văn Thắng – Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đề nghị đơn vị chủ trì thực hiện nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định.

Theo: http://dwrm.gov.vn