Hoàn thiện bộ tài liệu tài nguyên nước vùng biên giới Việt Nam – Lào

1H

Để từng bước thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã biên giới Việt Nam – Lào, năm 2010, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện Dự án “Điều tra đánh giá tài nguyên nước lưu vực các sông biên giới Việt Nam – Lào thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả”.

Đo đạc tại 81 xã biên giới

Đến nay, dự án đã triển khai thực hiện tại 81 xã biên giới thuộc 19 huyện tại 4 tỉnh (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An), kéo dài trên đường biên giới 1.360 km, và diện tích toàn vùng là 13.610 km2 .

Dự án đã đánh giá được tiềm năng, đặc điểm phân bố, số lượng, chất lượng tài nguyên nước mặt, tạo cơ sở cho các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và hợp tác quốc tế về tài nguyên nước vùng biên giới Việt Nam – Lào, thuộc các lưu vực sông Mã, sông Cả. Đồng thời, tăng cường cơ sở thông tin dữ liệu về tài nguyên nước vùng biên giới phục vụ các hoạt động hợp tác phát triển của các Bộ ngành, đất nước.

Trong quá trình triển khai dự án, các cán bộ Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia đã gặp không ít khó khăn. Trước hết, đây là vùng có địa hình hiểm trở, thời tiết diễn biến phức tạp, giao thông, cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, việc tiếp cận với đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Đó là chưa kể, toàn vùng chưa có thông tin số liệu đo đạc về tài nguyên nước, tình hình khai thác nguồn nước mặt theo hình thức nhỏ lẻ, mang tính tự phát nên việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước không hề đơn giản.

Theo cán bộ dự án, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt trong khu vực này vẫn mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư mang tính đồng bộ, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp có những dấu hiệu của sự thiếu nước vào mùa khô như ở các xã Chà Nưa, Sa Si Phìn (Điện Biên), Mai Sơn (Nghệ An). Nguyên nhân chủ yếu là do sự phân bố không đều tài nguyên nước trong năm và tập quán du canh du cư, dân cư không tập trung nên khó khăn trong việc xây dựng các công trình cấp nước để phục vụ người dân trong vùng.

Trước thực trạng đó, Trung tâm đã nhanh chóng tổ chức khảo sát, đo đạc, thu thập và tổng hợp được một khối lượng lớn số liệu, tài liệu phục vụ đánh giá nguồn nước trên 81 xã theo các lưu vực sông chính là sông Mã, sông Cả. Với tỷ lệ điều tra 1:200.000, các đối tượng được điều tra đánh giá bao gồm các sông suối có chiều dài từ 40km trở lên, các hồ chứa có dung tích từ 0,5 triệu m3.

2H

Quá trình điều tra cho thấy, một số “điểm nóng” nguồn nước tiếp nhận từ nguồn có khả năng gây ô nhiễm, điển hình một số khu vực ở Điện Biên do tập quán chăn thả gia súc và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Tại xã Thanh Thủy (Nghệ An) do nguồn thải từ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Điểm khai thác vàng ở xã Tri Lễ hay điểm khai thác và chế biến các sản phẩm than ở xã Tam Quang (Nghệ An) cũng tác động không nhỏ đến chất lượng nguồn nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra cũng thấy được những tác hại do nước gây ra trong vùng dự án như: lũ lụt trên sông Nậm Pồ, nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống trong khu vực các xã biên giới thuộc tỉnh Điện Biên, Sơn La, Nghệ An đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của, đặc biệt ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân trong vùng.

Căn cứ vào số liệu điều tra, khảo sát, đo đạc ngoài thực địa, Trung tâm đã kết hợp với công cụ mô hình toán để tính toán, đánh giá diễn biến tài nguyên nước mặt trong vùng dự án tính theo từng lưu vực (để đảm bảo tính hệ thống), tính đến từng đơn vị hành chính (để phục vụ cho công tác quản lý). Ngoài ra, Trung tâm đã tiến hành đo đạc lượng nước trên dòng chính sông Mã, sông Cả vào/ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và CHDCND Lào.

Từng bước hoàn thiện tài liệu về tài nguyên nước tại lưu vực các sông biên giới Việt Nam – Lào

Phạm vi các xã biên giới Việt Nam – Lào được phân chia thành 44 tiểu lưu vực theo các nguồn nước thuộc lưu vực sông Mã, sông Cả để tính toán, đánh giá tài nguyên nước mặt. Đặc biệt, việc đo đạc xác định lượng nước trên dòng chính sông Mã, Cả ra/vào lãnh thổ Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong việc khai thác, sử dụng dòng sông và nguồn nước của các sông quốc tế tại Việt Nam.

Có thể nói, các kết quả điều tra do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thực hiện trên lưu vực sông Mã, sông Cả đã bước đầu tháo gỡ những khó khăn, bất cập về tình trạng thiếu thông tin số liệu trong lĩnh vực thủy văn, tài nguyên nước, đặc biệt là tình hình khai thác sử dụng tài nguyên nước tại phần lãnh thổ của Lào. Từ đó, Trung tâm đã cung cấp những thông tin chuẩn xác về tài nguyên nước mặt đối với vùng biên giới, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ổn định dân cư khu vực.

Đặc biệt, đối với vùng biên giới nói chung, vùng dự án nói riêng, các kết quả điều tra tài nguyên nước trên là tài liệu đầu tiên đánh giá tài nguyên nước mặt một cách đầy đủ và chi tiết. Trong đó, tài nguyên nước mặt được đánh giá cả về chất lượng và số lượng, diễn biến theo không gian và thời gian trên từng tiểu lưu vực, cụ thể đến từng xã. Đồng thời, dự án đã xác định được các vấn đề nổi bật về tài nguyên nước tại lưu vực các sông biên giới Việt Nam – Lào, hỗ trợ hiệu quả cho các cấp quản lý, các ngành trong việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Không những vậy, các kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước đó còn là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương, là căn cứ trong việc xây dựng kế hoạch phát triển của các ngành và xa hơn nữa là căn cứ quan trọng để Việt Nam phối hợp với nước bạn CHDCND Lào trong việc khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên nước.

(Theo monre.gov.vn / Hồng Nhung)