Tỉnh Hòa Bình có tổng số 1.719 công trình thủy lợi, trong đó có 1.251 công trình kiên cố và bán kiên cố; 513 hồ chứa, 636 đập dâng (bai), 59 trạm bơm điện, 43 trạm bơm thuỷ luân. Trong số hồ chứa, chỉ có 10 hồ có dung tích 1 triệu m 3 trở lên như: Hồ Suối Ong, Đầm Chanh (Lương Sơn); Trù Bụa, Vưng (Tân Lạc); Đầm Bài (Kỳ Sơn)… Hầu hết các công trình này đều được xây dựng từ những năm 60 trở lại đây, những công trình mới phần lớn cũng xây dựng từ những năm 91, do đó không ít các công trình đang trong tình trạng xuống cấp.
Theo ông Trần Kim Phàn, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi, với trữ lượng các công trình thủy lợi như hiện nay, tỉnh chỉ có thể chủ động nước tưới đến cuối tháng 3 với 34.800 ha, đạt 80% diện tích gieo trồng. Khoảng trên 7.000 ha không đảm bảo nước tưới, trong đó 2.500 ha chưa có công trình thủy lợi, diện tích còn lại do ở xa, công trình thủy lợi không vươn tới. Tình trạng hạn hán đáng lo ngại nhất là tại huyện Yên Thủy. Hiện nay, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn huyện đã cạn kiệt.
Để đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ chiêm – xuân 2011, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp chống hạn như: dùng máy bơm, gàu, phai tát nước khi xảy ra nắng hạn kéo dài sau cấy. Các địa phương triển khai tốt chiến dịch toàn dân làm thuỷ lợi nhằm tận dụng, sử dụng hiệu quả triệt để nguồn nước, cấm các hành vi tát nước bắt cá, xả nước chạy máy phát điện…Chính quyền địa phương thông báo đến tất cả các hộ dân kế hoạch xả nước, đồng loạt ra đồng, giảm tối đa lượng nước thất thoát. Hiện nay, nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã chuyển đổi hàng ngàn ha trồng lúa sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao. Đây được cho là giải pháp hiệu quả, góp phần giải quyết vấn đề nước tưới phục vụ sản xuất trong thời điểm này.
(Theo Monre.gov.vn)