Hồ Dầu Tiếng: Tiết kiệm để đảm bảo nước cho TP.HCM

tt313Nguồn nước hồ Dầu Tiếng ngày càng có vai trò quan trọng đối với khu vực, trong đó có TP.HCM, vì vậy việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước là yêu cầu đặt ra đối với tất cả mọi người trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm và việc gìn giữ và đảm bảo chất lượng nguồn nước là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín tại buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Quản lý khai thác thủy lợi Dầu Tiếng.  

Nếu lên đến mực nước thiết kế 24,4m, hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn (tỉnh Tây Ninh) có thể tích 1,58 tỷ m3 nước, cung cấp nước tưới khoảng 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân và công nghiệp các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương và đặc biệt là TP.HCM.

Mùa mưa 2010 hồ Dầu Tiếng chỉ tích đến mực 22,87m, bị thiếu 450 triệu m3 nước, lập lại tình trạng như năm 2004. Nhưng do nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng, đặc biệt là nước sinh hoạt và công nghiệp nên ngay từ đầu mùa khô 2010-2011, việc quản lý và sử dụng nguồn nước sao cho hiệu quả là bài toán không đơn giản. Trong khi đó, TPHCM là vùng hạ du của sông Sài Gòn, do lượng mưa hàng năm mùa khô 2010 giảm 30%-35% nên tình trạng mặn xâm nhập vào sâu đất liền sớm hơn bình thường. Không chỉ thế tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn, mặn xâm nhập sâu hơn, đe dọa đến việc lấy nước (ngọt) thô trên sông Sài Gòn cho hoạt động của Nhà máy Nước Tân Hiệp (Củ Chi) nếu hồ Dầu Tiếng không làm tốt vai trò xả nước để đẩy mặn.

Ngoài ra, hồ Dầu Tiếng còn có nhiệm vụ quan trọng khác, cung cấp nước tưới cho cả chục ngàn ha đất ở huyện Củ Chi và Hóc Môn (TP.HCM), không chỉ vụ đông xuân mà cả vụ hè thu. Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Trung Tín, lãnh đạo Công ty QLKTTL Dầu Tiếng đã cam kết, nhờ sử dụng hợp lý (tưới luân phiên…) hơn 2 tháng qua đã tiết kiệm được hơn 60 triệu m3 nước, nên vẫn đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong khu vực, nhất là TP.HCM, nhờ lợi thế vùng thấp nên có thể tận dụng nguồn nước dưới cả mực thiết kế 17m của hồ. Đây là một lợi thế mà khu vực khác của hồ Dầu Tiếng không có được. Nhưng nói thế không có nghĩa là sử dụng thoải mái. Vì với TP.HCM, hồ Dầu Tiếng không chỉ cung cấp nước luân phiên mà còn phải xả nước để đẩy mặn và ô nhiễm trên sông Sài Gòn ra xa khu vực Nhà máy nước Tân Hiệp.  

Ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM cho biết, mưa ít, thiếu nước, xâm nhập mặn và nhu cầu tăng cao ngày càng gây ra tình trạng thiếu nước trong khu vực sử dụng nguồn nước kênh Đông dẫn từ nguồn hồ Dầu Tiếng. Vì vậy, việc đầu tiên là phối hợp ngay từ đầu với lãnh đạo quản lý hồ Dầu Tiếng để có giải pháp chung ngay từ cuối mùa mưa 2010. Đó là giải pháp tưới luân phiên, mỗi tuần, hồ Dầu Tiếng cung cấp nước tưới cho kênh Đông (đưa nước về TP) 3 ngày, còn lại 4 ngày cung cấp cho kênh Tây.

Ngoài ra, khi cung cấp nước cho khu vực thay vì thoát ra kênh tiêu thì nay sẽ giữ nước lại trong kênh. Giải pháp thứ 2, đăng ký nhu cầu sử dụng nước từng khu vực của bà con, cũng như việc xuống giống tập trung, đồng loạt và chọn giống cây ít sử dụng nước. Bên cạnh đó là việc tu sửa, nâng cấp hệ thống kênh mương, nạo vét kênh nội đồng (tổng cộng khoảng 700km) nhằm hạn chế nguồn nước bị thất thu và thẩm thấu. Công ty còn khuyến cáo bà con nên có phương án chống hạn nhằm dự phòng khi xảy ra tình huống khó khăn bằng cách hướng dẫn kinh nghiệm bơm tại chỗ và tạo nguồn như thế nào.  

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đam, điều quan trọng vẫn là ý thức của bà con. Nhờ những biện pháp này, Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM đảm bảo đủ nước tưới vụ đông xuân đến ngày 31-3 với khoảng 10.000 ha và nhu cầu sử dụng nước vụ hè thu 2011.

 

 

 

(Theo Monre.gov.vn)