Ngày 20/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành về Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành và các đơn vị trực thuộc Bộ liên quan.
Thời gian qua, hoạt động quan trắc tài nguyên và môi trường ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là từ khi thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia theo quy định tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 16). Đến nay, cả nước đã xây dựng và vận hành mạng lưới gần 700 trạm và 2000 điểm quan trắc tài nguyên và môi trường; thu thập được khối lượng lớn tư liệu của nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng được đội ngũ trên 3.000 quan trắc viên chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.
Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện, Quy hoạch đã bộc lộ một số bất cập như: chưa tính đến xu thế phát triển và quá trình đô thị hóa; chưa quy hoạch việc quan trắc để phục vụ cho mục đích ước lượng mưa, điều tiết hồ chứa, kiểm soát tài nguyên nước, nguồn nước xuyên biên giới; chưa tính đến mạng lưới quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển; đồng thời, một số biến động tự nhiên, kinh tế – xã hội liên quan đến công tác quan trắc tài nguyên và môi trường chưa được tính đến như: biến đổi khí hậu, sự phát triển nhanh chóng các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm khắc phục kịp thời những bất cập trong Quy hoạch 16, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường và đề xuất Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của quy hoạch mới nhằm xây dựng được hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, đạt ngang trình độ các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tài nguyên đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và các ngành kinh tế kỹ thuật khác, phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường.
Nội dung dự thảo Quy hoạch gồm 3 phần, bao gồm: Hiện trạng và kết quả thực hiện quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2015; Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Tổ chức thực hiện Quy hoạch.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh, Quy hoạch lần này đã được xây dựng trên quan điểm: lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực, có tính kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có, trong đó mạng quan trắc khí tượng thủy văn là nòng cốt; đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện; đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa công nghệ và thiết bị quan trắc, phân tích, truyền tin và xử lý thông tin theo hướng số hóa, tự động hóa trên cơ sở phát huy công nghệ trong nước và tiếp thu công nghệ tiên tiến của nước ngoài; là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện, được kết nối và chia sẻ thông tin từ trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; từng bước đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo công tác quản lý và vận hành mạng quan trắc tài nguyên và môi trường tiên tiến; đầu tư xây dựng mới phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn, từng bước xã hội hóa hoạt động quan trắc.
Tại Hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được ý kiến các Bộ, ngành về Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 để thống nhất về các vấn đề như: phạm vi quy hoạch, mục tiêu quy hoạch, nội dung quy hoạch, lộ trình của quy hoạch, khả năng lồng ghép các trạm quan trắc…. Từ đó, Bộ sẽ tiếp thu, sớm hoàn thiện Quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt.
(Theo monre.gov.vn)