Hội nghị giao ban vùng năm 2018 khu vực phía Bắc

Sáng ngày 13/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị giao ban vùng năm 2018 khu vực phía Bắc tại thành phố Hải Phòng. Hội nghị do Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành chủ trì. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực phía Bắc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị giao ban vùng năm 2018 (khu vực phía Bắc tại TP Hải Phòng vào ngày 13/8 và khu vực phía Nam tại tỉnh Bình Định dự kiến vào ngày 17/8) với mục đích: đánh giá kết quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại các địa phương giai đoạn 2016-2018; bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương và của toàn vùng; đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường giai đoạn 2019-2021.

Tại hội nghị, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng trao đổi về các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực ngành Tài nguyên và Môi trường cũng như các giải pháp về các vấn đề quan trọng của ngành xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương như công tác hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường; kiện toàn tổ chức cán bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ; công tác ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối toàn ngành Tài nguyên và Môi trường…

http://nawapi.gov.vn/images/stories/144a.png

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị giao ban vùng năm 2018 khu vực phía Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, chia sẻ về các khó khăn, thách thức của ngành trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, toàn ngành đã nỗ lực và có những bước đi đúng hướng để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng.

Ngành đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước giải quyết sự cố môi trường để Công ty Fomosa đi vào hoạt động trong cuối năm 2017, từ một doanh nghiệp tiềm năng ô nhiễm cao chuyển sang doanh nghiệp hoạt động theo hướng thân thiện môi trường, có những đóng góp quan trọng cho phát triển KT-XH và tăng trưởng GDP vào những tháng đầu năm 2018.

Với tinh thần cầu thị, lắng nghe từ địa phương cơ sở, Bộ đã trình Chính phủ 03 Nghị định sửa các Nghị định khác để bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các cơ chế chính sách, giải quyết cơ bản các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường và sắp tới sẽ là các lĩnh vực khác. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; tiếp cận biến các nguy cơ và thách thức lớn thành cơ hội. Từ thành công này sẽ nhân rộng mô hình đối với khu vực miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung.

Đặc biệt, Ngành đang triển khai 3 Đề án quan trọng để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới đó là Đề án sửa đổi Luật đất đai; Luật Bảo vệ môi trường; Đề án tổng kết các Nghị quyết quan trọng của Đảng về đất đai, về Chiến lược biển.

Các địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật tạo được những chuyển biển lớn trong công tác quản lý TN&MT như là: Đã giải quyết từng bước vấn đề lãng phí đất đai, đất của các nông, lâm trường; một số địa phương đã có mô hình phù hợp tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp; thực hiện cấp lần đầu gần 4 triệu Giấy chứng nhận mới; chỉ số PAPI đo lường mức độ hài lòng của người dân đã có sự cải thiện (tỷ lệ phản ánh có bôi trơn khi làm sổ đỏ giảm từ 44% năm 2015 xuống còn 17% năm 2017); đóng góp từ đất đai cho phát triển KT-XH ngày càng tăng, nguồn thu từ đất tăng từ 84 nghìn tỷ đồng, lên 104 nghìn tỷ đồng năm 2017.

http://nawapi.gov.vn/images/stories/144b.png

Lãnh đạo Bộ TN&MT, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc chụp ảnh     lưu niệm

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị trong Bộ đã giới thiệu, chia sẻ về các nhiệm vụ, định hướng triển khai của Ngành trong thời gian tới. Trong đó, để tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, Bộ đã xây dựng vận hành thử nghiệm Hệ thống tương tác, chia sẻ thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ với các Sở TN&MT; xây dựng Quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ với các Sở TN&MT; tiếp nhận, tổng hợp các vấn đề vướng mắc thuộc về cơ chế, chính sách pháp luật về TN&MT của các địa phương gửi về Bộ; xây dựng giao diện Cổng thông tin điện tử để Bộ và các địa phương để chia sẻ thông tin chỉ đạo điều hành, tăng cường trao đổi về các kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý TN&MT.

Đại diện các Sở TN&MT đã trao đổi, thảo luận bàn về một số giải pháp quan trọng: Một là, đề xuất, hiến kế về hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT giai đoạn 2019 – 2021 và giai đoạn tiếp theo; làm thế nào để nguồn lực TN&MT đóng góp cho yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hai là, lắng nghe, trao đổi, hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị của 28 Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Ba là, trao đổi thống nhất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai trong các tháng cuối năm 2018 để hoàn thành thắng lợi Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp phát triển KT-XH trong năm 2018 và các Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, Chính phủ. Bốn là, bàn về các giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa Bộ và các Sở TN&MT trong công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý các kiến nghị vướng mắc; hoàn thiện thể chế; xác định các nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, về chuyển giao công nghệ, tuyên truyền, truyền thông;… Năm là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc ứng dụng chữ ký số trong giải quyết các văn bản trao đổi, hướng dẫn chuyên môn; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến để xây dựng nền tảng ứng dụng số trong toàn ngành.

http://nawapi.gov.vn/images/stories/144c.png

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định đây là cuộc họp giao ban quan trọng đầu tiên, hết sức đặc biệt với ngành TN&MT nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Bộ với các Sở TN&MT địa phương để cùng đồng trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ to lớn của ngành. Tổng hợp ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng nhấn mạnh tới các nhóm vấn đề được quan tâm như đã thẳng thắn phát hiện các vấn đề còn vướng mắc trong cơ chế chính sách pháp luật; đã đưa ra một số bài học thực tiễn, mô hình kinh nghiệm thực tế hay được triển khai tại các địa phương; cũng như đề xuất một số nội dung về cơ chế cần được bổ sung, hoàn thiện; định hướng đổi mới cơ chế chính sách từ bị động sang chủ động phòng ngừa; nhìn nhận các khó khăn trong triển khai thực tiễn tại địa phương; vấn đề tổ chức thực hiện chính sách pháp luật…