Hà Nội vẫn còn 16 trạm cấp nước ở nông thôn chưa hoạt động

Để góp phần thực hiện mục tiêu, đến năm 2020 tất cả dân cư khu vực nông thôn trên cả nước được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn theo Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư kinh phí xây dựng rất nhiều công trình cấp nước cho người dân khu vực ngoại thành. 
Đa số các công trình này đang hoạt động hiệu quả, đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn ngày một cao và môi trường sống khu vực nông thôn cũng từng bước được cải thiện. Đến thời điểm này, hơn 80 % số dân ở khu vực nông thôn Thủ đô đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 32%    được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài 85 trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn đã đầu tư xây dựng và đang hoạt động hiệu quả, Hà Nội   vẫn còn 16 trạm cấp nước chưa đi vào hoạt động.   
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Bình Nguyên, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội cho biết: Sau khi đơn vị này phối hợp với phòng Kinh tế của các huyện ngoại thành tiến hành khảo sát, kiểm tra, đã cho thấy: Hiện nay, khu vực nông thôn Hà Nội vẫn còn 16 trạm cấp nước tập trung chưa hoạt động. Trong đó, có 3 trạm tại các xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai), Liên Bạt (Ứng Hòa) và Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) đã được chuyển tiếp cho các huyện quản lý và đã được các địa phương tiến hành làm các thủ tục để xây dựng trong giai đoạn 2 từ nguồn kinh phí của thành phố; 4 trạm tại các thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ); Phùng (Đan Phượng), Quốc Oai (Quốc Oai) và xã Dương Liễu (Hoài Đức) cũng đang được các doanh nghiệp nhận triển khai xây dựng. Còn lại 9 công trình ở một số xã như: Tam Hiệp (Phúc Thọ), Phùng Xá (Thạch Thất), Kim Lan (Gia Lâm), An Mỹ (Mỹ Đức)… đã đầu tư xây dựng nhưng hiện nay vẫn chưa thể hoạt động do xây dựng dở dang hoặc đầu tư chưa đồng bộ.   
Để có những đánh giá đầy đủ, thấu đáo nguyên nhân của tình trạng này, theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Hà Nội cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền để đánh giá tổng thể, đồng bộ hơn.Tuy nhiên, sơ bộ nguyên nhân một số trạm cấp nước đã được đầu tư xây dựng từ những năm đầu của thập niên 2000 mà đến nay vẫn chưa được vào khai thác được   là do: Công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu sử dụng và khả năng chi trả của người dân chưa được tiến hành một cách thật sự cẩn thận; cơ cấu bố trí vốn chưa tương xứng với nhu cầu, tiến độ xây dựng đặt ra; công tác quản lý nguồn tài nguyên nước chưa chặt chẽ, dẫn đến một bộ phận người dân không hưởng ứng việc    dùng nước sạch từ các dự án cấp nước tập trung… 
Thực trạng này đang đòi hỏi các ngành liên quan, các cấp chính quyền   của thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp cần nhanh chóng tiến hành hoàn thiện các công trình cấp nước, nhất là các công trình không hoạt động được do đầu tư chưa đồng bộ hoặc xây dựng dở dang. Có như vậy, mới tránh được lãng phí và Hà Nội cũng mới có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, 100% dân số khu vực nông thôn Thủ đô được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trong đó phấn đấu 60% dân số nông thôn ngoại thành thành Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế với số lượng 100 lít /người/ ngày. 
Hiện Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội đã đề nghị cơ quan chủ quản là Sở NN&PTNT Hà Nội xem xét và tiếp trình UBND thành phố Hà Nội cho phép Trung tâm được tiến hành nghiên cứu, lập Dự án tổng thể phục hồi hoạt động của các trạm cấp nước không hoạt động.  
(Theo Monre.gov.vn)