Để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, thực hiện nghiêm Pháp lệnh về Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, ngày 22/2, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Gia Lâm tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ khi mới phát sinh vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn huyện. UBND huyện Gia Lâm phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra mất an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn mà nguyên nhân do huyện không xử lý dứt điểm vi phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh về Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện của UBND huyện Gia Lâm; tổng hợp tình hình, báo cáo UBND thành phố.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, các hành vi vi phạm phổ biến là xây nhà ở, nhà tạm trên kênh, san lấp chiếm lòng kênh, làm bến bãi, đắp bờ nuôi trồng thủy sản, đổ rác thải vào lòng kênh, xả nước thải vào công trình thủy lợi… Các hành vi trên gây mất an toàn, làm giảm khả năng tưới tiêu và cấp nước của hệ thống; gây úng, ngập, ô nhiễm nước trong hệ thống công trình.
Tính đến nay đã có 1.250 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; trong đó trên địa bàn Hà Nội có 38 trường hợp xây dựng nhà ở kiên cố và lều quán; 6 trường hợp san lấp, lấn chiếm và 1 trường hợp xả nước thải vào hệ thống. Đặc biệt, có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần phải xử lý giải tỏa là việc đổ đất, chất thải lên mái phía bờ tả kênh ngoài cống Xuân Quan tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm gây mất an toàn, bồi lấp lòng kênh, làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của toàn bộ hệ thống Bắc Hưng Hải; xây nhà, trồng cây trong phạm vi bảo vệ mái phía bờ tả kênh chính đoạn từ cống Xuân Quan đến cống Báo Đáp….
(Theo Monre.gov.vn)