Thời gian qua, các địa phương tại tỉnh Hà Nam tích cực thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là hệ thống giao thông nông thôn đã được đảng ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo sâu sát. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc; đơn cử như việc xây dựng đường giao thông thôn xóm đã gây nhiều hỏng hóc, thất thoát, lãng phí đối với hệ thống đường ống cung cấp nước hợp vệ sinh cho người dân địa phương.
Xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân (Hà Nam) được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn. Toàn xã đã xây dựng được 25 km đường ở tất cả 14 xóm. Trong quá trình xây dựng đường giao thông nông thôn, xã yêu cầu các xóm phải tham gia giải phóng các công trình khác, nhất là hệ thống đường ống cấp nước. Thực tế cho thấy, trước đây đường nhỏ, không kiên cố nên việc xây dựng đường ống dẫn nước được thi công hết sức đơn giản. Nhưng khi các tuyến đường được mở rộng, bê tông hoá thì nhiều tuyến đường ống cung cấp nước lại nằm đúng giữa tim đường, nếu không di dời đường ống sẽ dẫn đến hỏng hóc, thất thoát hoặc khó sửa chữa nếu có sự cố xảy ra. Vì vậy, khi xét duyệt đầu tư các tuyến đường, xã Phú Phúc giao cho các xóm huy động người dân phối hợp với đơn vị cung cấp nước di dời đường ống dẫn nước. Ông Lê Văn Bột, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Hệ thống đường giao thông và cung cấp nước hợp vệ sinh đều là những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn xã Phú Phúc đã có gần 2.000 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Xã xác định xây dựng đường mà vẫn phải duy trì tốt được hệ thống nước sạch lâu dài.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm được như xã Phú Phúc, nhiều nơi còn xem nhẹ giá trị các công trình cấp nước hợp vệ sinh khu vực nông thôn. Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị đang quản lý và cung cấp nước sinh hoạt cho 11 xã trên địa bàn với độ dài đường ống gần 200 km. Các địa phương trên đều đang tích cực triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn nhưng theo phản ánh của Công ty thì rất ít nơi có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đường ống cấp nước. Do đó, có những tuyến đường ống đang hoạt động bình thường đã bị hư hỏng nặng trong quá trình thi công đổ bê tông đường. Đơn cử như tuyến đường vào khu vực thôn Phú Đa, xã Bối Cầu có chiều dài dài 300 mét, khi làm đường không có sự phối hợp với đơn vị quản lý để di dời đã bị hỏng toàn bộ hệ thống đường ống. Hậu quả là hơn 20 hộ dân sử dụng nước từ đường ống này đã bị mất nước trong thời gian dài, Công ty cũng đã phải đầu tư sửa chữa toàn bộ tuyến đường ống với số tiền lên đến 30 triệu đồng. Tại khu vực xã Hưng Công, một điểm của đường trục chính bị hỏng trong quá trình thi công đường cũng phải đầu tư sửa chữa hết 20 triệu đồng…
Trao đổi cụ thể hơn, ông Trần Văn Đôi, Đội trưởng Đội quản lý vận hành Nhà máy nước Phú Phúc và nhà máy Hưng Công cho biết: Rất nhiều địa phương thiếu sự phối hợp trong việc di chuyển đường ống dẫn nước để phục vụ quá trình thi công đường giao thông nông thôn hoặc phối hợp hời hợt khiến Công ty phải chịu những tổn thất không nhỏ. Chỉ khi cán bộ của Công ty đi kiểm tra hoặc do người dân báo lên thì mới biết là đường ống bị hỏng do thi công đường.
Theo ông Đỗ Hoàng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn: Các công trình cấp nước tập trung phần lớn đều do nguồn vốn của Nhà nước đầu tư, mang tính chất phúc lợi phục vụ cộng đồng nên cần có cộng đồng trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ. Đặc biệt, hiện nay việc xây dựng đường giao thông nông thôn vẫn đang được phát động rộng rãi ở các địa phương, trong khi đó hệ thống đường ống dẫn nước đều chạy dọc theo các tuyến đường. Vì lẽ đó, cách làm như ở Phú Phúc rất cần được áp dụng có hiệu quả ở các địa phương, góp phần hoàn thành đồng bộ các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Thiết nghĩ, việc mở rộng và kiên cố hoá đường giao thông nông thôn là việc làm hết sức cần thiết trong phục vụ đời sống dân sinh, nhưng xây dựng được đường mà để mất nguồn nước sinh hoạt thì là điều cần tránh.
(Theo Monre.gov.vn)